15 bài nghị luận gia đình là điểm tựa bình yên

Bài văn số 1 Mỗi người chúng ta ai cũng đều có một gia đình riêng của mình, cũng đều được che chở cho trong vòng tay của cha mẹ và người thân. Tình cảm …

Bài văn số 1

Mỗi người chúng ta ai cũng đều có một gia đình riêng của mình, cũng đều được che chở cho trong vòng tay của cha mẹ và người thân. Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng cao quý nhất đối với tâm hồn của chúng ta. Tình cảm đó chúng ta cần phải nâng niu và gìn giữ.

Từ xưa đến nay con người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng đều luôn đặt gia đình là nền tảng hàng đầu giúp con người trưởng thành. Mỗi người đều có một tình yêu thương với gia đình nhất định. Cha mẹ là người sinh ra ta nuôi dưỡng chúng ta trưởng thành, tình yêu thương mà cha mẹ dành cho con cái là tình cảm cao quý nhất. Chúng ta có thể phạm bao nhiêu lỗi lầm đi chăng nữa cha mẹ cũng luôn bao dung cho ta. Khi sinh ra, tiếng đầu tiên chúng ta cất tiếng gọi đó chính là hai từ cha, mẹ. Và chúng ta chúng ta có thể chọn cho mình mọi thứ: công việc, tình yêu, nơi ở,… nhưng không thể chọn được gia đình. Sự thiêng liêng xuất phát từ những điều đó. Cho dù cuộc đời kia có vùi dập thế nào đi chăng nữa khi trở về với vòng tay yêu thương của gia đình chúng ta sẽ tìm lại được sự bình yên. Khoảng cách về địa lý có xa bao lâu đi chăng nữa thì tình cảm gia đình cũng mãi mãi không cách xa. Chúng ta có thể gửi gắm những thông điệp yêu thương dành đến với những người mà chúng ta yêu thương. Chỉ cần một sự quan tâm nhỏ cũng làm cho lòng ta ấm hơn rất nhiều, xua tan đi những mệt mỏi mà chúng ta có thể làm cho những người thân yêu. Không có bất kỳ rào cản nào dành cho tình cảm gia đình nếu như chúng ta thật sự yêu thương nhau. Và ngược lại điểm tựa tinh thần của gia đình cũng là điểm tựa lớn nhất mà chúng ta có được khi đến với thế giới này. Trong xã hội hiện nay, vòng xoáy tranh đua ngày càng cuốn con người ta vào những mối quan hệ khác, thì cảm gia đình sẽ giúp con người ta xích lại gần nhau hơn. Nó được đặt trong rất nhiều những mối quan hệ khác nhưng vẫn chiếm vai trò thượng tôn.

Chúng ta cần hiểu rõ nhất vai trò của gia đình để có những cư xử đúng mực với các thành viên trong gia đình. Hãy luôn biết trân trọng tình cảm thiêng liêng này, đừng bao giờ để đến khi mất rồi mới biết hối hận. Hãy luôn yêu thương gia đình của mình nhé các bạn.

Bài văn số 2

Gia đình là hai từ thiêng liêng luôn nằm trong trái tim của mỗi người bởi “người ta vốn có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có duy nhất một chốn để trở về – đó chính là gia đình”. Tình cảm gia đình là món quà tinh thần vô giá giúp mỗi người có thêm sức sống và động lực vươn lên mỗi ngày. Những tình cảm gia đình là suối nguồn mát trong và ngọt lành nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người, để rồi dù đi đâu xa thì nơi mong ngóng với mỗi người chính là mái ấm gia đình. Cùng cảm nhận về gia đình và nghị luận về tình cảm gia đình qua bài viết dưới đây.

Trình bày suy nghĩ của em về tình cảm gia đình chính là việc tìm hiểu khái niệm, định nghĩa gia đình, tình cảm gia đình là gì hay thế nào là tình yêu gia đình. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần cảm nhận về ý nghĩa và vai trò của gia đình cũng như bài học rút ra khi tìm hiểu và cảm nhận về gia đình trong cuộc sống ngày nay.

Gia đình theo định nghĩa khoa học chính là một cộng đồng những người sống chung, gắn bó với nhau và có quan hệ ruột thịt, bị ràng buộc bởi các mối quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân hay quan hệ nuôi dưỡng. Hiểu đơn giản thì gia đình chính là nơi mà ta đã sinh ra, nuôi ta khôn lớn và là nơi để ta trở về trước những giông tố của cuộc đời.

Gia đình là cái nôi đầu tiên của cuộc đời ta. Ta sinh ra và lớn lên trong sự chở che nâng đỡ của gia đình. Gia đình chính là ngôi nhà nơi có những người thân yêu ruột thịt của chúng ta. Khái niệm gia đình không chỉ bó hẹp trong phạm mái nhà hay người ruột thịt mà khái niệm gia đình còn được mở rộng hơn. Mỗi người trong cuộc đời sẽ có cho mình nhiều gia đình. Đầu tiên không thể không nhắc đến đó là gia đình hạt nhân gồm cha mẹ và con cái, tiếp đến gia đình lớn hơn với ông bà, cô dì, chú bác, mở rộng tối đa đó còn là đại gia đình của thế giới này.

Chúng ta có nhiều gia đình nhưng chắc chắn hai gia đình quan trọng nhất trong cuộc sống của mỗi con người chính là thứ nhất gia đình với cha mẹ con cái ông bà và thứ hai gia đình nhỏ của chúng ta khi xây dựng hạnh phúc lứa đôi. Mỗi người có một tính cách riêng, một lối sống riêng, một lý tưởng riêng nhưng dưới một mái nhà sự khác biệt ấy không quan trọng mà được dung hòa lại với nhau trong gia đình.

Tình cảm gia đình vì thế mà khắng khít gắn bó những tính cách khác nhau, những cá tính khác nhau. Sự gắn bó của các thành viên trong gia đình không phải một sớm một chiều mà là cả một quãng thời gian dài, cả một đời người. Cuộc sống bó buộc ta trong chằng chịt những mối quan hệ nhưng có lễ mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình là mối quan hệ ta tự nguyện được ràng buộc. Và ngay từ khi sinh ra, mối quan hệ đầu tiên được thiết lập trong cuộc đời mỗi người chính là mối quan hệ gia đình.

Ta sinh ra trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, sống trong tình yêu thương, sự chở che quan tâm của cha mẹ. Đó là món quà vô giá mà thượng đế ban tặng mỗi người khi họ cất tiếng khóc chào đời. Bởi không ai có quyền lựa chọn gia đình mình khi chào đời. Tuy không có quyền lựa chọn nhưng ta có thể xây đắp gia đình cho mình.

Mọi người trong gia đình đối xử với nhau bằng tất cả sự chân thành không lừa lọc, không toan tính. Chỉ có những thành viên trong gia đình mới có thể làm được điều đó. Ngoài kia xã hội có thể đấu đá tranh giành chỉ có gia đình là nơi bình yên nhất luôn mở cửa đón chờ ta quay về.

Gia đình chính là môi trường ta sinh thành và khôn lớn. Vì là gia đình là một trong những yếu tố quyết định việc hình thành tính cách con người. Gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn. Một gia đình hạnh phúc sẽ tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc, một gia đình không vui vẻ tạo ra những đứa trẻ lãnh cảm…

Cha mẹ chính là tấm gương soi đầu tiên của đứa trẻ. Đứa trẻ mới chào đời như một tờ giấy trắng và cha mẹ là những người họa sĩ tâm hồn vẽ những đường nét, mảng màu đầu tiên vào trang giấy trắng ấy. Trẻ thơ sẽ học theo cách hành xử của cha mẹ, của các thành viên trong gia đình. Đầu tiên là thói quen sinh hoạt, đến tính cách. Và gia đình còn là nền tảng giáo dục đầu tiên. Một gia đình có văn hóa chú trọng đến giáo dục thì sẽ đào tạo ra những đứa trẻ siêng năng, ham học còn những gia đình không trọng việc học thì sẽ tạo ra những đứa trẻ không có hứng thú với việc học tập.

Đứa trẻ còn là đại diện cho gia đình. Chúng ta không chỉ là kết tình yêu của cha mẹ mà còn là kết quả của sự giáo dục, của nếp sống gia đình. Nên nhìn vào gia đình người ta có thể đánh giá đứa trẻ và ngược lại nhìn vào đứa trẻ người ta cũng có thể đánh giá về cả gia đình ấy. Gia đình còn là cơ sở để hình thành tam quan của con người gồm nhân sinh quan, thế giới quan, giá trị quan. Dù sau này còn có nhiều yếu tố tác động vào nhận thức của con người nhưng gia đình chính là yếu tố tác động đầu tiên.

Nếu cha mẹ có giá trị quan đúng đắn sẽ phần nào định hướng được suy nghĩ, niềm tin của con nhưng nếu cha mẹ có giá trị quan tương đối lệch lạc như trọng nam khinh nữ thì điều đó sẽ vô tình làm lệch đi thế giới quan của con khi nào không hay biết. Nếu người lớn có thể dễ dàng và nhanh chóng điều chỉnh suy nghĩ tư tưởng của mình thì trẻ thơ lại không.

Niềm tin ở trẻ được hình thành từ những người có sức tác động lớn đến cuộc đời như cha, mẹ và môi trường xã hội trẻ tiếp xúc thường xuyên. Niềm tin ấy, nhận thức ấy ở trẻ rất khó để thay đổi. Nếu cha mẹ không sớm nhận ra và tác động kịp thời thì có thể niềm tin ấy sẽ méo mó đến quan niệm sống sau này. Bên cạnh đó, gia đình còn là nơi nâng đỡ chắp cánh ước mơ cho mỗi người. Đó là nơi hình thành và khai phá ước mơ của mỗi con người.

Cha mẹ cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến ước mơ của con trẻ. Gia đình không chỉ là nơi ăn chốn ở của mỗi người, cung cấp cho con người những nhu cầu cần thiết của cuộc sống mà đó còn là nơi bình yên khi con người mệt mỏi tìm về. Như chim về tổ thì con người cũng có một chốn dừng chân khi mệt mỏi. Sau một ngày dài làm việc vất vả còn gì hạnh phúc bằng được quay trở về nhà được ăn những món ngon mẹ nấu, được xem tivi cùng ba, hay chơi đùa với chú cún đáng yêu của mình.

Tuy gia đình quan trọng như thế nhưng lại có nhiều người lại xem nhẹ vai trò ảnh hưởng của nó. Điều này xuất phát từ cả cha mẹ và con cái. Trong vòng xoáy hiện tại, cha mẹ bộn bề với cuộc sống mưu sinh nên chưa có dành sự quan tâm đúng mực cho con cái khiến cho con cái cảm giác bị bỏ rơi, cô đơn lạc lõng ngay chính trong nơi bình yên nhất của đời người – gia đình.

Chính vì cảm giác ấy mà những đứa con lại tìm đến những người bạn, kết giao với bạn xấu rồi bắt đầu sa vào tệ nạn xã hội, những cuộc vui chơi, những cuộc trụy lạc qua ngày tháng. Đến khi mọi việc vỡ lẽ thì cũng đã muộn. Trách cứ cũng chẳng giúp ích gì. Ngoài ra, gia đình đôi khi vẫn giữa những quan niệm hà khắc cổ hủ áp đặt suy nghĩ của mình một cách khắt khe lên những đứa con, điều đó đã vô tình gây nên áp lực lớn cho cuộc sống của những đứa con.

Như điển hình là việc lựa chọn định hướng tương lai cho con cái. Có thể lấy trường hợp của ca sĩ Tóc Tiên là một ví dụ. Tóc Tiên là một nghệ sĩ đã đạt được nhiều tình cảm của khán giả Việt Nam với phong cách biểu diễn thu hút, giọng hát nội lực cũng như tư duy âm nhạc có nền tảng tốt. Nhưng dù thành công là thế, cô vẫn chưa bao giờ nhận được sự chấp nhận của mẹ kể từ khi Tóc Tiên từ bỏ trường Đại học Y danh giá để trở thành ca sĩ…

Bởi thế mà ca mẹ cũng cần phải mở lòng. Nhiều thứ cha mẹ cho rằng là tốt nhưng chưa chắc phù hợp với con cái. Bên cạnh đó, những đứa con khi thành đạt thay vì quay về báo hiếu cho cha mẹ thì lại xem đó là một gánh nặng, đẩy cha mẹ vào viện dưỡng lão. Và với lí do bận rộn công việc, những cú điện thoại liên lạc cũng thưa thớt dần, những bữa cơm nóng hổi mẹ nấu không còn ý nghĩa bằng những món ăn nhạt nhẽo ngoài quán cùng bạn bè. Cứ thế mối quan hệ với gia đình trở nên xa dần…

Nếu không biết trân quý tình cảm gia đình, một ngày nào đó mất đi rồi hối tiếc cũng không kịp. Có những người có thể hào sảng với bạn bè, đồng nghiệp nhưng với gia đình thì lại tính toán chi li từng chút một. Những người như thế không đáng được trân trọng và liệu họ có xứng đáng được thành công, được yêu thương.

ình cảm gia đình cũng như những tình cảm cần được bồi đắp. Và tình cảm ấy không chỉ thể hiện qua những lời yêu thương ngọt ngào mà còn cần được thể hiện bằng hành động, dù chỉ là một hành động nhỏ như phụ giúp mẹ làm việc nhà, lâu lâu tặng mẹ một món quà nhỏ hay thỉnh thoảng trò chuyện uống trà cùng cha, quan tâm hơn đến sức khỏe của cha mẹ.

Lời yêu thương nếu chỉ nói ra mà không thực hiện thì nó cũng chỉ là những lời nói hời hợt. Hãy tạm gác lại những bộn bề xung quanh, quan tâm nhiều hơn đến những điều nhỏ nhoi trong cuộc sống như gia đình. Tạm gác những chuyến đi chơi, những cuộc hẹn trà sữa cùng đám bạn mà ngồi xuống cùng cha mẹ ăn một bữa cơm, cùng cha mẹ chuyện trò. Đừng để mọi thứ đã quá muộn màng.

nghị luận về tình cảm gia đình và bài học rút ra Bài văn hay Nghị luận xã hội về tình cảm gia đình – Cảm nghĩ về gia đình

Gia đình là chốn để trở về sau biết bao giống tố của cuộc đời

Bài văn số 3

Gia đình là điểm tựa vững vàng nhất của mỗi người. Khi đứng trước khó khăn, sóng gió hay được hưởng thụ những thành công, danh vọng thì lòng người đều hướng tới gia đình. Mái ấm gia đình mãi mãi là một trong những khát vọng của biết bao nhiêu người muốn hướng tới trong cuộc sống. Xã hội có vững mạnh, hạnh phúc hay không đều là nhờ vào sự bền vững của mỗi gia đình.

 

 Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng biết bao con người, từ thuở nằm nôi đến khi trưởng thành. Nơi ấy, có cha mẹ yêu thương ta, có anh chị em luôn đùm bọc, chia ngọt sẻ bùi cùng ta trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chỉ cần những lúc yếu lòng nhất, hay cần sự giúp đỡ nhất thì gia đình luôn là nơi cho ta biết bao nguồn sức mạnh để vượt lên tất cả.

 

Gia đình là môi trường lớn nhất giúp con người hoàn thiện cả về tài năng lẫn nhân phẩm. Từ khi còn bé, trước khi đến lớp, cha mẹ đã dạy ta cách nói năng, chào hỏi lễ phép. Ngày nay, với những gia đình có điều kiện vật chất, họ sẵn sàng cho con em đến học những quốc tế, nơi các em được phát triển và tiếp cận những nền văn minh mới nhất, từ ngoại ngữ đến các môn năng khiếu. Đó sẽ là nền tảng vững chắc để xây dựng nên tương lai cho các em.

 

Gia đình còn là một nơi toàn các chuyên gia tâm lý, sẵn sàng chia sẻ, tâm sự mỗi khi ta gặp chuyện buồn, ngay cả khi ta thành công hay thất bại, muốn quyết định làm một điều gì đó thì gia đình luôn ủng hộ ta hết lòng. Tuy nhiên, với công việc và áp lực sống rất lớn hiện tại, nhiều cha mẹ lại mải mê kiếm tiền mà quên mất cần quan tâm đến mái ấm gia đình.

 

Mỗi sáng tối, họ tất bật bên công việc mà không thể chăm lo đầy đủ những bữa cơm gia đình. Biết bao lâu, những căn bếp của biết bao gia đình mới được sáng đèn, có mùi vị thức ăn của mẹ nấu. Biết bao ngày, cả gia đình có thể sum họp bên mâm cơm cùng cha mẹ, anh chị em trò chuyện, vui cười những câu chuyện trong cuộc sống. Chính sự thiếu thốn tình cảm, hơi ấm gia đình càng khiến sợi dây gắn kết giữa mọi người trở nên lỏng lẻo.

 

Mỗi người trở nên khép kín, lạnh nhạt hơn, cũng vì thế mà nhiều đứa trẻ ngày nay bị bệnh tự kỷ vì thiếu đi sự tương tác với người khác. Nghiêm trọng hơn nữa là người lớn không kịp thời quan tâm, dạy dỗ con trẻ khiến họ rơi vào những sa ngã, tệ nạn xã hội. Các em đua đòi, ăn chơi, tập tành rượu chè, cờ bạc rồi phạm tội.

 

Ngoài kia, còn có rất nhiều đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi. Các em lớn lên trong những trại cô nhi, may mắn thì được một gia đình hảo tâm nuôi nấng nhưng mãi mãi cũng không bao giờ có thể so sánh với hơi ấm của người thân thật sự. Nhìn đôi mắt trong trẻo của các em, tận sâu đáy mắt vẫn luôn khát khao được nằm trong vòng tay mẹ thật sự rất xót xa. Khi lớn lên, các em cũng phải chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn khi bị trêu chọc là trẻ mồ côi, không được dạy dỗ đàng hoàng.

 

Ngay cả những con người thành công, giàu có về tiền bạc, vững vàng trên thương trường đều chia sẻ họ có được những điều ấy là nhờ người vợ, người mẹ luôn đứng phía sau giúp đỡ, là những đứa con luôn sẵn sàng an ủi, động viên họ. Hay cả những con người bình thường nhất cũng mãi mãi khát khao một mái ấm gia đình, nơi có thể vỗ về họ tránh đi những cơn giông bão của cuộc đời.

 

Gia đình mãi là giấc mơ đẹp của tất cả mọi người trên thế giới này. Những gì ngày hôm nay ta làm đều muốn hướng tới những điều hạnh phúc cho cha mẹ và người thân thương của ta. Vì thế, hãy trở về thăm gia đình, hãy biết trân trọng những khoảnh khắc mà ta và gia đình được ở bên nhau.

Bài văn số 4

Gia đình – hai từ nghe sao thân thương quen thuộc đến vậy. Gia đình là nơi chứng kiến mỗi con người lớn lên, trưởng thành, chập chững từ những bước đi đầu đời đến lúc lớn khôn rồi đến khi về già, đó là nơi tạo nên những người con ưu tú cho xã hội. Vì vậy, tình cảm gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng, ý nghĩa đặc biệt to lớn đối với đời sống của mỗi cá nhân con người.

 

Gia đình là một tế bào của xã hội, là một tổ chức cộng đồng nhỏ, có một nền thiết chế riêng và được hình thành trên quan hệ huyết thống giữa các thành viên trong gia đình. Tình cảm gia đình là tình yêu thương, gắn bó, quan tâm sâu sắc giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Nó là một chìa khóa đặc biệt của mỗi đời sống con người.

 

Trong mỗi gia đình, người cha, người mẹ luôn quan tâm chăm sóc cho con cái, họ nuôi dưỡng con cái từ khi lọt lòng, những bước đi đầu đời của con luôn có cha mẹ dìu dắt, nâng đỡ. Ông bà yêu thương, dành những tình cảm tốt nhất, những bài học hay cho con cháu. Con cháu thì “kính trên nhường dưới”, chăm sóc phụ dưỡng ông bà, cha mẹ. Anh chị em chia sẻ niềm vui, giúp đỡ nhau khi khó khăn. Mỗi thành viên trong gia đình đều dành tình cảm cho nhau tạo ra những điều tốt đẹp nhất cho người thân của mình để tạo nên một gia đình văn hóa.

 

Tình cảm gia đình có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người. Gia đình là một tổ ấm luôn mang hạnh phúc sự bình an cho mọi cá nhân. Hạnh phúc đơn giản đầu tiên đó là được sinh ra, lớn lên, được nuôi dưỡng trong tình cảm gia đình, được sống trong một xã hội nhiều điều tốt đẹp và thú vị. Gia đình đem lại một tình yêu thương bao la, là thứ tình cảm cho đi mà không mong nhận lại, một thứ tình cảm trong sáng và quý giá biết bao. Gia đình là một điểm tựa vững chắc cho mỗi con người tìm về khi đi trên con đường đời đầy khó khăn. Những lúc mệt mỏi, vấp ngã, phải chăng điều đầu tiên ta nghĩ đến đó là gia đình, những người thân, và họ luôn ở đó, tiếp sức, cổ vũ, động viên, cho ta thêm nhiều sức mạnh để bước tiếp. Họ không ngần ngại che chở, bao dung khi ta yếu đuối, buồn phiền. Hơn thế nữa, ta là con người như thế nào đều nhờ vào gia đình. Gia đình chính là gốc rễ hình thành nên tính cách con người. Gia đình chính là trường học thu nhỏ đầu tiên của mỗi cá nhân, ở đó con người được giáo dục uốn nắn từ khi còn bé, tính cách, tâm hồn đạo đức đều được bồi dưỡng chuẩn mực theo hướng tích cực. Tình cảm của các thành viên trong gia đình đã tạo nên một sức mạnh tiềm tàng ẩn sâu, nó có ý nghĩa rất lớn với đời sống của mỗi con người.

 

Nhưng, thật đáng buồn thay, có những gia đình lại là nơi gây ra những vết thương lòng lớn đối với con người. Đó là nạn bạo hành gia đình, chồng đánh vợ đã để lại những vết sẹo về mặt tinh thần cho con cái, người vợ. Ta có thể thấy rõ điều đó qua những nỗi đau của người vợ hay người con khi chứng kiến mẹ bị đánh đập, trong truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, thấy bố đánh mẹ, “thằng Phác, con lão đàn ông đã kịp tới để che chở cho người mẹ đáng thương” và nó tuyên bố “Nó còn có mặt ở dưới biển này thì mẹ nó không bị đánh”. Rồi đến những người cha, người mẹ tàn nhẫn bỏ rơi con của mình, đối xử tệ bạc với cha mẹ, anh chị em trong nhà ganh đua chia rẽ vì phân chia tài sản với nhau. Nếu những đứa trẻ mà sống trong một gia đình không có tình cảm, chúng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực rất lớn cho cuộc sống sau này, chúng sẽ trở nên yếu đuối, lo sợ, tự ti, trầm cảm, thậm chí là thù hận và cuộc sống của chúng có trở nên tốt đẹp được? Vì vậy, ta càng phải nhận thức được rõ về tầm quan trọng của tình cảm gia đình. Để có một cuộc đời vui vẻ hạnh phúc, mỗi cá nhân cần phải có trách nhiệm xây dựng, giữ gìn tổ ấm của mình. Từ trẻ nhỏ đến người già trong gia đình hãy dành cho nhau tình cảm nhiều hơn, yêu thương, chở che đùm bọc lẫn nhau, bảo vệ một gia đình luôn bền vững.

 

Tình cảm gia đình một thứ mộc mạc đơn sơ, nhưng nó lại rất quý giá, nó mang một sức mạnh to lớn cho mỗi cá nhân. Nếu mỗi cá nhân mà được thừa hưởng tình cảm đấy thì sẽ tạo nên được một gia đình đầm ấm hạnh phúc, từ đó nó sẽ là nền tảng để xây dựng được một xã hội văn minh và bền vững.

 

Bài văn số 5

Trong “Phép màu nhiệm của đời có viết”: “Gia đình là ngôi thánh đường đầu tiên cho tuổi thơ những điều hay lẽ phải, niềm tin và lí tưởng sống. Đó là nơi chúng ta tìm về để được an ủi, nâng đỡ. Đó là những món ăn đơn sơ cũng là mĩ vị. Đó là nơi tiền bạc không quý bằng tình yêu. Đó là nơi ngay cả nước sôi cũng reo lên niềm hạnh phúc”. Quả thực như vậy, mái ấm gia đình, tình thương gia đình là điều vô cùng quan trọng, vô cùng kì diệu trong cuộc đời mỗi con người.

“Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và hoặc quan hệ giáo dục. Gia đình có lịch sử từ rất sớm và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài”. Đó là định nghĩa của khoa học. Thực tế, có vô vàn những cách định nghĩa về gia đình. Nhưng dù thế nòa, thì gia đình vẫn luôn là nơi “cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc”. Gia đình chỉ thực sự được gọi là tổ ấm khi nó có đầy đủ tình yêu thương giữa các thành viên, có sự đồng thuận, chia sẻ, giúp đỡ giữa những người trong gia đình.

Mái ấm gia đình, tình thương gia đình là cái nôi nuôi dưỡng con người từ khi còn là những đứa trẻ cho đến khi trưởng thành. Đó là nơi cho ta những câu chuyện cổ tích của bà, những bữa cơm của mẹ, những lời dạy bảo của cha để tâm hồn ta được tưới tắm, nuôi dưỡng để ngày một lớn lên và hoàn thiện nhân cách. Gia đình ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách của mỗi con người, bởi đó là môi trường giáo dục đầu tiên của chúng ta. Một mái ấm gia đình hoàn thiện sẽ tạo nên một môi trường sống lành mạnh sẽ góp phần không nhỏ để xây dựng cho trẻ một nhân cách tốt. Có một gia đình hạnh phúc là một trong những điều may mắn tuyệt vời nhất của một con người, khi mà mỗi ngày trôi qua là những niềm vui.

 

Mái ấm gia đình, tình thương gia đình cũng là bến đỗ bình yên nhất cho tâm hồn giữa giông tố cuộc đời. Tình thân là một thứ tình cảm vô cùng đẹp đẽ, vô cùng thiêng liêng bởi đó là một sự yêu thương vô điều kiện, không toan tính thiệt hơn. Cả thế giới có thể quay lưng lại với bạn, nhưng cha mẹ thì vẫn luôn ở đó, luôn đứng phía sau dang rộng vòng tay che chở cho ta, vẫn luôn chờ ta quay về chăm sóc, bảo vệ. Khi ta vấp ngã sẽ là lúc ta nhận thức rõ ràng nhất rằng gia đình là nơi nương náu an toàn nhất, vững chắc nhất. “Gia đình là một cái tên, một ngôn từ mạnh mẽ; mạnh hơn lời của những pháp sư hay tiếng đáp của các linh hồn; đó là lời nguyện cầu hùng mạnh nhất” (Charles Dickens). Mọi tình cảm trên thế giới đều mong manh và dễ nhạt phai, duy chỉ có tình cảm gia đình là vĩnh viễn không bao giờ đổi thay, cho dù xảy ra bất cứ chuyện gì, trở về với gia đình, ta đều có thể tìm thấy sự tha thứ và tâm hồn được chữa lành.

 

Mái ấm gia đình là suối nguồn không thể thiếu đối với mỗi con người. Gia đình cũng như một khu vườn, luôn cần sự chăm sóc, tưới tiêu để lớn lên xanh tốt, đầy sức sống. Nếu chúng ta thờ ơ với nó, nó cũng có thể trở nên héo úa, tàn tạ. Bởi vậy, để có được mái ấm, tình thương vững chắc, mỗi thành viên trong gia đình đều cần có trách nhiệm cùng nhau sẻ chia trách nhiệm, xây đắp gia đình. Cha mẹ luôn cần dành cho con cái sự quan tâm, săn sóc, cùng con trao đổi việc học hành, bạn bè, dành thời gian cho con cái. Đổi lại, những đứa con cần có sự kính yêu, tôn trọng, chia sẻ với cha mẹ những công việc nhỏ, phù hợp với sức lực của mình. Có như thế, gia đình mới yên ấm, thuận hòa, mới thực sự trở thành mái ấm vĩnh cửu của tình yêu thương, sự che chở. Xây dựng gia đình hạnh phúc, văn hóa cũng là xây dựng một xã hội thịnh vượng, phồn vinh, bởi mỗi gia đình chính là tế bào của xã hội. ‘Bạn có thể làm gì để xây dựng hòa bình thế giới? Hãy về nhà và yêu thương gia đình của mình” (Mẹ Teresa).

Leave a Comment