15 bài nghị luận giữ gìn sự trong sáng của tiếng việt cực hay

Bài văn số 1 Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Hiện nay, trong xu thế hội nhập quốc tế, bên …

Bài văn số 1

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Hiện nay, trong xu thế hội nhập quốc tế, bên cạnh tiếp thu và Việt hóa được nhiều cái hay, cái đẹp của tiếng nói, chữ viết nước ngoài, thì sự trong sáng của tiếng Việt đang bị ảnh hưởng tiêu cực. Biểu hiện rõ ràng nhất là sự lai căng tiếng nói, chữ viết của nước ngoài ngày một tăng. Dường như ngày càng có nhiều người, nhất là lớp trẻ, khi nói và viết tiếng Việt thường chen tiếng nước ngoài. Biểu hiện dễ thấy nhất là việc sử dụng thường xuyên những từ như: show (biểu diễn), live-show (biểu diễn trực tiếp), nhạc classic (nhạc cổ điển), nhạc country (nhạc đồng quê), nhạc dance (nhạc nhảy), các fan (người hâm mộ)… thay cho chữ Việt vốn đã có sẵn, đủ nghĩa, dễ hiểu, trong sáng. Cách diễn đạt này đôi khi sẽ gây nên sự khó hiểu, làm mất đi tính mạch lạc của đoạn hội thoại. Đồng thời, do ngôn ngữ còn tác động đến quá trình hình thành nhân cách, sử dụng tràn lan các từ ngữ nước ngoài không tránh được việc tạo ra tâm lí sính ngoại, coi nhẹ văn hóa cũng như đồ dùng Việt Nam. Sinh thời, Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường tự mình nêu gương sáng và thường nhắc nhở mọi người tránh bệnh nói chữ, sính dùng từ gốc Hán khi có thể diễn đạt bằng tiếng Việt. Thiết nghĩ, học theo những tấm gương ấy, Nhà nước nên có quy định chặt chẽ, xây dựng quy định chuẩn về việc dùng từ tiếng nước ngoài trong các văn bản, nhất là văn bản chính thức của Nhà nước. Các trường học cũng phải chú trọng, đẩy mạnh giáo dục học sinh giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tất cả chúng ta cần ý thức được vẻ đẹp, giá trị của tiếng mẹ đẻ, nâng niu, giữ gìn nó trong từng lời nói hàng ngày. Bởi, đúng như nhà văn hóa Phạm Quỳnh từng nói: “Tiếng ta còn, nước ta còn”. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng là một cách để ta thể hiện tinh thần dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.

Bài văn số 2

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng việt – trách nhiệm không của riêng ai!

Có thể nói rằng ngôn ngữ (tiếng nói của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc là một thứ tài sản vô cùng quý giá. Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện quan trọng trong các hoạt động giao tiếp của con người và xã hội mà đối với mỗi dân tộc, ngôn ngữ còn được ví như một thứ “căn cước” của nền văn hóa. Chính vì thế mà sống cách ta gần nửa thế kỷ, ông chủ bút báo Nam Phong khi diễn thuyết về Nguyễn Du và Truyện Kiều đã từng khẳng định “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn”. Chính vì lẽ đó mà giữ gìn, bảo vệ ngôn ngữ dân tộc là một việc làm cần thiết và thường trực của mỗi con người, mỗi quốc gia.

Đối với đất nước ta, Tiếng Việt là tiếng nói chính thống của dân tộc Việt. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước dù đã có biết bao những biến cố, thăng trầm của lịch sử nhưng Tiếng Việt vẫn tồn tại và luôn được mỗi con người đất Việt gìn giữ và phát triển. Khi Cách mạng tháng Tám giành thắng lợi, đất nước bước sang một kỉ nguyên mới – độc lập, tự do – tiếng Việt cũng giành được địa vị xứng đáng. Nó trở thành ngôn ngữ quan trọng trong mọi hoạt động hành chính, xã hội của đất nước. Tiếng Việt trở thành ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam. Và từ đó đến nay, tiếng Việt không ngừng được hoàn thiện và ngày càng phát triển để đáp ứng nhu cầu đi lên của xã hội và đất nước.

Tuy nhiên trong xu thế hội nhập hiện nay, cùng với sự phát triển của nhiều lĩnh vực đời sống, tiếng Việt cũng có nhiều thay đổi. Đặc biệt là hiện tượng từ “lạ” xuất hiện ngày càng nhiều. Nhận xét về hiện tượng này có người cho rằng đó là sự “sáng tạo” làm giàu thêm vốn ngôn ngữ, là hiện tượng bình thường, “dễ thương” và không nên từ chối. Không thể phủ nhận một thực tế rằng, trước sự phát triển năng động của cuộc sống, tiếng Việt cũng phải mở rộng, phải phát triển vốn từ để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Và bằng nhiều cách như vay mượn yếu tố ngôn ngữ nước ngoài hay sự sáng tạo từ những yếu tố tiếng Việt đã có, chúng ta đã tạo ra nhiều từ ngữ mới chuẩn xác, tinh tế làm cho tiếng Việt thêm giàu và đẹp. Ví dụ như “ngân hàng đề thi”, “toàn cầu hóa”, “tăng trưởng nóng”, “siêu tốc” hay “tuổi teen”…. Nhưng sự mới lạ không phải bao giờ cũng đồng nghĩa với cái tích cực, đúng đắn. Sự tăng trưởng “nóng” của tiếng Việt trong thời gian gần đây đang thể hiện những yếu tố tiêu cực. Chúng ta không thể không bất ngờ, ngạc nhiên đến băn khoăn, day dứt khi đọc được những dòng chữ “tiếng Việt” của thế hệ 8x, 9x hiện nay như “Pan co koe ko?”, “Pan dag lam j?”, “Pan nâu mam ckua?”. Không chỉ dừng lại ở việc nhắn tin qua điện thoại cho bạn bè, cho người cùng trang lứa mà nhiều khi các em còn sử dụng kiểu viết ấy để giao tiếp với cả anh chị, bố mẹ, thầy cô giáo…Ngoài ra do thói quen sử dụng nên một số học sinh đưa những từ lạ vào cả vở ghi thậm chí cả những bài kiểm tra, bài thi ….

Bài văn số 3

  Tiếng Việt – ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam, là tiếng mẹ đẻ của hơn 85% dân cư, từ khi ra đời tiếng Việt của chúng ta đã mang những bản sắc riêng, vẻ đẹp riêng và trong quá trình con người sử dụng đã làm giàu có thêm vốn tiếng Việt. Trước sự phát triển của xã hội và quá trình hội nhập ra thế giới, tiếng Việt cũng cần phải đổi mới hơn, đa dạng và phong phú hơn đáp ứng yêu cầu của thời đại, tuy nhiên việc quan trọng hàng đầu chính là dù trong hoàn cảnh nào của xã hội cũng phải gìn giữ được sự trong sáng vốn có của tiếng Việt. Hiện nay, trong xu thế hội nhập quốc tế, bên cạnh tiếp thu và Việt hóa được nhiều cái hay, cái đẹp của tiếng nói, chữ viết nước ngoài, thì sự trong sáng của tiếng Việt đang bị ảnh hưởng tiêu cực. Đáng quan tâm nhất là sự lai căng tiếng nói, chữ viết của nước ngoài ngày một tăng. Dường như ngày càng có nhiều người, nhất là lớp trẻ, khi nói và viết tiếng Việt thường chen tiếng nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh. Tất nhiên, cũng phải thừa nhận rằng trong sự phát triển mau lẹ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là tin học và công nghệ thông tin, nhiều thuật ngữ mới ra đời mà chưa có trong tiếng Việt, nên phải dùng những thuật ngữ bằng tiếng nước ngoài khi nói và viết tiếng Việtnhư Internet, trang web…, song đáng chê trách nhất vẫn là việc dùng chữ viết nước ngoài (chủ yếu là chữ Anh) thay cho chữ Việt vốn đã có sẵn, đủ nghĩa, dễ hiểu, trong sáng như show (biểu diễn), live-show (biểu diễn trực tiếp), nhạc classic (nhạc cổ điển), nhạc country (nhạc đồng quê), nhạc dance (nhạc nhảy), các fan (người hâm mộ)… một cách tự nhiên như thể đó là những từ tiếng Việt mà ai cũng hiểu. Có ý kiến ngụy biện cho rằng hiện tượng này nên khuyến khích vì đấy là một cách học và thực hành tiếng Anh, một công cụ không thể thiếu để hội nhập quốc tế. Nhưng thực ra, muốn thực hành ngoại ngữ, chúng ta hoàn toàn có thể nói, viết hẳn bằng tiếng nước ngoài mà mình học ở các lớp học ngoại ngữ, các lớp đại học dạy bằng tiếng nước ngoài, hoặc tạo cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài ở Việt Nam… Còn khi nói và viết tiếng Việt thì tránh dùng tiếng lai, trừ trường hợp bất đắc dĩ. Vậy làm thế nào chúng ta gìn giữ được tất cả những nét trong sáng trên của tiếng Việt? Trước hết đó là phải tôn trọng tiếng nói, ý thức được tầm quan trọng của việc phải gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, nếu không nhận thức đúng đắn sẽ dẫn đến những sai lệch trong bảo vệ và gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Bên cạnh đó, trong bất cứ hoàn cảnh giao tiếp hay phải sử dụng ngôn ngữ, chúng ta đều phải cân nhắc kỹ lưỡng, không thể sử dụng một cách tùy tiện, nói năng lung tung. Việc trau dồi vốn tiếng Việt và thường xuyên có ý thức rèn luyện cũng chính là gìn giữ sự trong sáng của tiếng ta. Bởi vậy, chúng ta cần sử dụng lời ăn tiếng nói một cách đúng đắn, không nói năng hàm hồ, dùng từ thô thiển, kích động. Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia của chúng ta, gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt là bảo vệ tiếng Việt, bảo vệ ngôn ngữ của quốc gia chính là bảo vệ tiếng nói của dân tộc, bảo vệ đất nước. Nếu không gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt đồng nghĩa với việc chúng ta dần đánh mất đi ngôn ngữ của chính mình, ngay cả tiếng nói của dân tộc cũng không gìn giữ được thì sẽ chẳng có gì đảm bảo chúng ta có thể bảo vệ đất nước trước những thế lực thù địch đang nhăm nhe.

Bài văn số 4

Đã là người con của dân tôch Việt Nam, ai cũng có trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nhưng đặc biệt hơn cả là giới trẻ ngày nay. Bởi đây là thế hệ có tư tưởng mở, dễ tiếp thu, dễ bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các tư tưởng bên ngoài, đồng thời đây cũng là chủ nhân tương lai của đất nước. Phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt vì đây là thứ ngôn ngữ mẹ đẻ, là thứ để phân biệt giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc khác trên thế giới. Để thực hiện được trọng trách này, trước hết giới trẻ phải có sự tôn trọng tiếng nói, ý thức được tầm quan trọng của việc phải gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Nếu không nhận thức đúng đắn sẽ dẫn đến những sai lệch trong bảo vệ và gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Bên cạnh đó phải tích cực trau đồi vốn ngôn ngữ tiếng Việt của mình, làm phong phú thêm khả năng tiếng Việt của chính bản thân mình. Bởi vậy, chúng ta cần sử dụng lời ăn tiếng nói một cách đúng đắn, không nói năng hàm hồ, dùng từ thô thiển, kích động.

 

Bài văn số 5

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn chú trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và giáo dục nhân dân phải làm cho tiếng nói, chữ viết ngày càng thêm đẹp, thêm phong phú, hiện đại. Thế nhưng, hiện nay, trong xu thế hội nhập quốc tế, việc tiếp thu và Việt hóa được nhiều cái hay, cái đẹp của tiếng nói, chữ viết nước ngoài đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự trong sáng của tiếng Việt.

 

Thế nào là sự trong sáng của tiếng Việt? Sự trong sáng của tiếng Việt bao gồm nhiều yếu tố như: Không lai căng tức không chen tiếng nước ngoài vào, không tối nghĩa, không gây hiểu lầm, giản dị (không cầu kỳ, rắc rối), lịch sự, thanh tao.

 

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trước hết bộc lộ ở sự tuân thủ hệ thống các chuẩn mực, quy tắc chung về phát âm, chữ viết, dùng từ, đặt câu, cấu tạo lời nói, bài văn. Tiếng Việt có hệ thống quy tắc chuẩn mực nhưng không cứng nhắc, máy móc mà có sự linh hoạt, sáng tạo. Miễn là sự linh hoạt, sáng tạo đó dựa trên cơ sở những quy tắc chung. Thứ hai, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là không lai căng, pha tạp những yếu tố của ngôn ngữ khác. Tiếng Việt ta tự bản thân nó đã đầy đủ sức mạnh biểu đạt nên không cho phép pha tạp lai căng, sử dụng tùy tiện, không cần thiết những yếu tố của ngôn ngữ khác. Sự vay mượn từ ngữ chỉ xảy ra khi trong tiếng Việt chưa có hoặc chưa đủ sức biểu đạt một nội dung, ý nghĩa, sự vật, sự việc mới mẻ nào đó mà trong các hệ thống ngôn ngữ khác đã chứa đựng. Thứ ba, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt còn được biểu hiện ở tính văn hóa, lịch sự của lời nói. Tránh dùng từ thô tục, thiếu văn hóa, thiếu lịch sự sẽ làm mất đi vẻ trong sáng của tiếng Việt.

 

Trước xu thế phát triển của khoa học kỹ thuật và nhịp sống của thời đại, tiếng Việt đang phải đối diện với nguy cơ mất đi sự trong sáng và sức mạnh biểu đạt. Bên cạnh việc vay mượn bắt buộc khi Tiếng Việt chưa có những từ ngữ mới thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật thì việc sử dụng tiếng Việt của người Việt, đặc biệt là giới trẻ hiện nay rất đáng báo động. Chúng ta không ít khi nhìn thấy những trường hợp các bạn trẻ chửi tục, nói bậy làm cho Tiếng Việt bị vấy bẩn, sử dụng tiếng Tây thay tiếng Việt trong câu nói, chữ viết hàng ngày, điển hình như: Thay vì nói “tạm biệt” sẽ là “Bye Bye” hay lời xin lỗi đơn giản chỉ là “Sorry nha!”, cảm ơn cũng ngắn gọn như “Thanks”.. Thậm chí giới trẻ còn ưa chuộng thứ ngôn ngữ nửa Tây nửa ta như là load tài liệu, nghe playlist, nhận mail, search mạng.. Cách sử dụng ngôn ngữ như vậy của giới trẻ ngày càng phổ biến do sự tiện lợi, ngắn gọn nhưng các bạn trẻ đã vô tình làm mất dần đi sự trong sáng của tiếng Việt.

 

Trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trước hết phải thuộc về giới trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Tuổi trẻ phải có ý thức trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong chính hoạt động sử dụng tiếng Việt khi giao tiếp. Khi nói năng, phải lịch sự, không nói những lời thô tục, thiếu văn hóa và tránh những lời nói kệch cỡm pha tạp, lai căng không đúng lúc. Không ngừng sáng tạo, bổ sung vào hệ thống từ ngữ tiếng Việt ta ngày càng phong phú và trong sáng hơn.

 

Tiếng Việt ta là linh hồn của dân tộc ta. Vì thế, thế hệ tuổi trẻ ngày nay phải có ý thức và trách nhiệm giữa gìn sự trong sáng của tiếng Việt như gìn giữ chính linh hồn của mình. Có như vậy thì ngôn ngữ của người Việt mới được bảo tồn và gìn giữ bền lâu.

Leave a Comment