25 bài nghị luận internet là con dao 2 lưỡi

Bài viết số 1 Trong đời sống, mạng xã hội đem đến những lợi ích vô cùng to lớn đối với công việc và cuộc sống của con người. Thật vậy, bên cạnh những thay …

Bài viết số 1

Trong đời sống, mạng xã hội đem đến những lợi ích vô cùng to lớn đối với công việc và cuộc sống của con người. Thật vậy, bên cạnh những thay đổi tích cực đáng kể mà mạng xã hội đem đến thì việc sử dụng mạng xã hội sai cách và không khoa học đã làm nảy sinh ra nhiều vấn đề và tác hại đến chính cuộc sống của mỗi người. Về mặt tốt, mạng xã hội có rất nhiều lợi ích. Đầu tiên, mạng xã hội chính là phương thức giao tiếp và liên lạc hiệu quả giữa người với người. Vượt qua mọi chướng ngại khoảng cách địa lý và thời gian, mạng xã hội giúp con người liên lạc hiệu quả và giữ liên lạc dù đang ở đâu trên thế giới. Thứ hai, mạng xã hội đã tạo nên những cơ hội việc làm khác nhau và thay đổi cách mà con người làm việc. Hàng loạt những công việc liên quan đến lĩnh vực mạng xã hội được mở ra và con người cũng có nhiều cơ hội để làm việc nhóm, làm việc từ xa thông qua nền tảng mạng xã hội. Cuối cùng, mạng xã hội giúp con người cập nhật tin tức và học hỏi, Tính chất của mạng xã hội là luôn có tính cập nhật và nóng hổi nên việc con người sử dụng mạng xã hội sẽ giúp ta cập nhật được với những tin tức giải trí, giáo dục, xã hội mà ta yêu thích một cách nhanh chóng nhất. Về những mặt xấu, mạng xã hội bản chất không hề xấu mà do con người sử dụng chúng sai cách. Đầu tiên, một trong những biểu hiện của việc sử dụng mạng xã hội sai cách đó là nghiện mạng xã hội. Những người nghiện mạng xã hội sẽ trở thành nô lệ tinh thần cho mạng xã hội và khó có thể sống thiếu được mạng xã hội trong ngày. Thứ hai, một số người sử dụng mạng xã hội vào việc truyền bá những tư tưởng sai lệch và kém văn minh. Vì mạng xã hội có tính chất rộng khắp và lan truyền nhanh chóng nên những kẻ xấu có thể lợi dụng để truyền bá và làm dấy lên những tư tưởng phản động, độc hại và chống phá nhà nước từ bên trong. Cuối cùng, có những kẻ sử dụng mạng xã hội để lan tin giả, bóp chết tin thật. Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát như hiện nay, những mẩu tin giả có tác hại vô cùng lớn, đó là gây hoang mang dư luận và làm cho công tác kiểm soát dịch bệnh khó khăn hơn. Nếu như người đọc không có nhận thức đúng đắn và không tiếp cận những nguồn tin chính thống của quốc gia thì khó có thể mà tẩy chay được tin giả. Tóm lại, mạng xã hội là con dao hai lưỡi nên người sử dụng cần có cách sử dụng đúng đắn đối với mạng xã hội để đem đến những tác dụng hiệu quả nhất.

Bài viết số 2

Thế giới Internet mở ra cho loài người một kho tàng tiện ích. Giờ đây, ai cũng có thể gửi thư điện tử, có thể trò chuyện với nhau, có thể học trực tuyến, giao dịch tài chính trực tuyến  miễn là có kết nối internet. Nó giúp chúng ta truy cập thông tin, tìm kiếm thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng và chính xác. Vì thế mà khi biết được cách sử dụng internet một cách hiệu quả con người có thể đạt được những lợi ích vô cùng to lớn và bất tận.  Internet giúp ta mở mang hiểu biết vì nó cung cấp tri thức về tất cả các lĩnh vực trong đời sống,  giúp con người có thể giao lưu trao đổi và học hỏi chia sẻ mọi vấn đề trong cuộc sống nhờ những dịch vụ internet tiện ích.

Bên cạnh những lợi ích to lớn mà nó có thể đem lại thì Internet cũng còn không ít mặt trái. Con người dựa dẫm quá nhiều vào Internet  làm mai một đi văn hóa  đọc vốn có. Thêm vào đó là việc tiêu hóa kiến thức trên mạng một cách vội vàng thiếu suy ngẫm và sáng tạo khiến cho con người trở nên thụ động, tư duy kém. Và cũng từ điều đó mà nhiều khi có khó có thể phân biệt được đúng sai, nên hay không nên. Mà đặc biệt là một số bạn trẻ và thậm chí là cả người lớn ngày nay lại đang say sưa quá độ với các trò chơi điện tử các trang mạng xã hội dẫn đến hiện tượng nghiện internet.  Rồi thêm vào đó là hành vi của những kẻ xấu muốn lợi dụng các trang mạng xã hội để tung truyền các tin tức gây ảnh hưởng không tốt đến nhận thức của mỗi người.

Lợi và hại là hai khía cạnh mà ở bất kì lĩnh vực nào ta cũng thấy xuất hiện. Tuy nhiên cần làm gì để phần lợi che mờ đi phần hại  là vấn đề mà ai cũng quan tâm. Muốn làm được điều đó trước hết chúng ta cần có những nhận thức đúng đắn về internet, biết cách sử dụng internet sao cho hiệu quả và sau đó là tuyên truyền đến những người xung quanh để mọi người cùng nhau ý thức về internet một cách đúng đắn nhất. Các cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý phù hợp với những hành vi lạm dụng internet để tuyên truyền những nội dung không hợp lí.

Một giải pháp đưa ra luôn tồn tại trong nó hai mặt lợi hại khác nhau nhưng quan trọng nhất vẫn là chúng ta – những người sử dụng hệ thống mạng lưới internet cần biết điều hòa hành động của mình để internet đi vào cuộc sống con người một cách văn minh nhất. Là một học sinh, hiểu rõ vấn đề hai mặt của Internet em sẽ khai thác những điều tốt đẹp mà nó mang lại và tránh xa những tai hại không đáng có.

Bài viết số 3

Bất cứ vấn đề gì cũng có hai mặt của nó, những lợi ích luôn đi kèm sau nó là những vấn đề tiêu cực. Hai mặt của một vấn đề luôn khiến người ta phải chần chừ, suy nghĩ đắn đo trước những sự lựa chọn. Xã hội ngày càng đổi mới, các phương tiện công nghệ thông tin phục vụ người dùng ngày càng nhiều như máy tính bảng, laptop, điện thoại di động, .. chỉ cần được kết nối internet bạn có thể thỏa sức tung hoành trong một thế giới ảo. Mạng xã hội Facebook cũng ra đời vì lẽ đó, hiện nay có đến hơn 2 tỉ người có tài khoản trong mạng xã hội này đã cho thấy mức độ thu hút của nó. Tuy nhiên, Mạng xã hội Facebook là một con dao hai lưỡi đối với giới trẻ trong đời sống.

 

Trong thực tế, những hữu ích mà facebook mang lại cho đời sống rất nhiều. Qua mạng xã hội này, chúng ta được kết nối với bạn bè nhanh chóng, được trao đổi liên hệ, nhắn tin, video call mà không tốn quá nhiều chi phí; giúp ta có thêm nhiều bè bạn mới quá việc giao lưu những người cùng chung đam mê, sở thích. Qua facebook, ta được bày tỏ những dòng cảm xúc, suy nghĩ của bản thân, được đồng cảm, sẻ chia; lưu giữ những khoảnh khắc tuyệt vời trong cuộc sống của mọi người. Facebook cũng là công cụ vô cùng hữu hiệu để học tập, trao đổi kinh nghiệm trong học hành như tiếng Anh, tiếng Pháp, toán học hay văn học hiệu quả, các nhóm học tập và làm việc trên Facebook cũng giúp tiết kiệm nhiều thời gian cho công việc mỗi người. Ngoài ra, các hoạt động từ thiện, kêu gọi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn được cộng đồng mạng chia sẻ trên diện rộng với tốc độ nhanh đã giúp đỡ phần nào những khó khăn của họ. Facebook cũng giúp ta nắm bắt được những thông tin lớn, thời sự nóng hổi trong cuộc sống. Là phương tiện giúp con người phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập qua việc kinh doanh online bằng cách livestream hoặc đăng bài bán với số lượng lớn những người tiêu thụ có nhiều nhu cầu khác nhau. Mạng xã hội này cũng giúp chúng ta có thể giải trí sau những giờ làm việc mệt mỏi, biết nhiều hơn về cuộc sống của bạn bè người thân, là nơi chứa đựng những thông tin khá bổ ích.

 

Song, trên thực tế, lưỡi dao thứ hai đang đe doạ đời sống của người dùng là rất nguy hiểm. Dù không quá sắc bén nhưng nếu không cẩn thận, bạn sẽ khiến mình trở thành một nạn nhân đắm chìm dưới vũng máu mà thế giới ảo gây ra. Nó bào mòn từng tế bào thần kinh của bạn mà trước mắt bạn chưa thể thấy rõ ngày sự tác động đó, lưỡi dao ấy sẽ ngấm ngầm mà cứa vào cơ thể bạn từng chút, từng chút một nếu bạn vẫn không thể ngừng việc nghiện Facebook. Nhiều người đã sử dụng face như một công cụ đánh bóng tên tuổi bằng những trò rẻ tiền, câu like với những phát ngôn gây sốc hay những video phản cảm. Những thông tin rác rưởi, lá cải được viết vội vàng thiếu chắt lọc tràn lan trên mạng, không biết thực hư ra sao, bình luận rồi cãi nhau” inh ỏi” trên mạng với những ngôn ngữ thô tục, thiếu văn hoá. Một số người trẻ xỉa xói, châm chọc nhau trên Facebook rồi gây hấn, đánh đập nhau. Một số khác, ngày ngày than vãn ,mệt mỏi chán chường cuộc sống , mà không tìm thấy động lực. Những dòng status nhạt nhẽo, vô vị, những bức ảnh phản cảm,.. vẫn ngày ngày tràn lan trên Facebook.

 

Nhiều người dành quá nhiều thời gian cho nó mà chẳng hề quan tâm đến thế giới bên ngoài, ngồi bên chiếc điện thoại mà quên cả ăn cơm, quên cả việc học tập. Đời sống giao tiếp, tiếp xúc bên ngoài cũng không có, thời gian rảnh lấy facebook làm bạn rồi dần trở nên cô đơn, lạc lõng trong chính cuộc sống của mình. Một mặt nào đó, Facebook ăn mòn tâm hồn, nhân cách con người, khiến nó trở nên vô cảm với những lối sống tiêu cực. Ngoài ra những xúc phạm danh dự, hành động làm nhục qua mạng với những ngôn ngữ, lời nói thiếu tế nhị gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều nạn nhân bị tổn thương tinh thần sâu sắc mà tìm đến cái chết để giải thoát cho cuộc đời mình, facebook gây ảnh hưởng đến sức khoẻ khi nhiều người thức hai, ba giờ sáng chỉ để lướt Facebook trong vô định, không biết làm gì hơn. Thị giác cũng không nằm ngoài tác hại mà chúng gây ra bởi ngày ngày dán chặt mắt vào chiếc điện thoại. Một bộ phận giới trẻ bỏ bê cả học tập, ăn uống, sinh hoạt chỉ để chơi face

 

Đăng một bức ảnh thì ngồi đếm từng lượt like, trả lời từng lượt comment của người khác, xem đó như là thú vui giải trí dù mất cả ngày chỉ để làm việc đó. Viết một status ngồi suy nghĩ cả một buổi chiều, chụp một bức ảnh ngồi chỉnh sửa cả hàng tiếng đồng hồ mới vừa ý,…. Thật mất quá nhiều thời gian cho facebook trong khi còn bao nhiêu việc phải làm, phải nỗ lực cho cuộc sống thực. Các bạn nên hiểu rằng, những cái like không làm cho bạn giàu có lên, không khiến bạn trở nên thông minh hãy xinh đẹp hơn. Vì vậy đừng quá chú trọng vào nó. Hãy sống cho hiện tại, cho thực tế, đừng ngày ngày chỉ biết đến facebook mà xa rời người thân, mà đến cả một cuộc nói chuyện nghiêm túc ngày cuối tuần bên gia đình cũng không có.

Bài viết số 4

Mỗi thời đại sẽ có những cách khác nhau để liên lạc, trao đổi thông tin. Ngày xưa, con người thường viết thư và chờ đợi những bức thư phản hồi, thời gian rất rất là lâu vì khoảng cách xa xôi, vì phương tiện vận chuyển. Nhưng ngày nay với cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 thì những bức thư đó được thay thế bằng những cú click, những dòng enter của các trang mạng xã hội.

 

Mạng xã hội đã kết nối con người khắp nơi trên thế giới, xóa nhòa khoảng cách về không gian, thời gian nhờ tốc độ nhanh chóng đó, sự tiện lợi. Nhưng cũng vì quá lạm dụng mạng xã hội mà các bạn trẻ hiện nay tự tập cho mình một lối sống không lành mạnh – sống ảo. Chúng ta hãy tự đặt câu hỏi, Sống ảo là gì? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn cứ chìm đắm, đêm mê vào lối sống không hiện thực này

Sống ảo là một cách sống không thực tế, hoang tưởng, mơ hồ, không tồn tại trong cuộc sống. Sống ảo khiến cho các bạn trẻ đánh mất đi quyền giao lưu, quyền được vui chơi tham gia vào những chương trình, vào những hoạt động ngoại khóa mà ở đó các bạn có thể trực tiếp kết bạn, trực tiếp trò chuyện với những con người thật. Và bạn ngồi đó và chỉ cần gõ, một cú click chuột là có thể kết bạn giao lưu với mọi người trên khắp thế giới.

 

Đây cũng chính là lẽ mà rất nhiều bạn đam mê nó. Trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instragram, Zalo, Twitter,…và vô số trang mạng xã hội khác nữa, việc giao tiếp trở nên quá dễ dàng, khoảng cách như được thu hẹp lại, vì thế làm sao mà chúng ta không đam mê, không yêu thích. Nhưng nếu nó trở nên quá mức, hàng giờ, hàng ngày bạn ngồi trước màn hình máy tính, nhắn tin trò chuyện với những người mới quen, những người xa lạ thì những người bạn ngoài đời, những người thân quen của bạn thì dường như bạn đang quên mất họ, bỏ qua sự tồn tại của họ.

 

Một thế giới ảo, tạo cho bạn một viễn tưởng về cuộc sống vô cùng tươi đẹp và hấp dẫn. Trên đó, mỗi người có thể xây dựng cho mình một hình tượng trong mơ, những ngôi nhà, những hình ảnh tuyệt đẹp, và có vô số vô số những người bạn nhưng chưa bao giờ gặp mặt ở ngoài cuộc sống. Và vì thế, nhiều hệ lụy đã xảy ra, vì muốn được tung hô, nổi tiếng, nhiều bạn trẻ đã biến mạng xã hội là một bước đã tiến thân, đăng những hình ảnh không lành mạnh để mong nhận được sự chú ý của mọi người, hay sử dụng những lời nói không văn mình nhằm thể hiện bản lĩnh của mình.

 

Những anh hùng bàn phím được ra đời từ đây. Những người đó đã gây ra không ít những mâu thuẫn, những thông tin sai lệch cho mọi người, Hệ lụy cao hơn, đó chính là làm ảnh hưởng xấu đến người khác, mang một lối sống lệch lạc, tinh thần không ổn định, khiến không ít người đi theo vết xe đổ này. Việc giao lưu, kết bạn trên mạng đã xuất hiện nhiều tình yêu online. Đây không hẳn là tình trạng xấu, điều sai, nhưng nó cũng gây ra nhiều trường hợp không tốt, như dễ bị lợi dụng, lừa lọc, và trở thành mục tiêu của rất nhiều kẻ xấu.

Kết quả của việc đó để lại là sự hối hận, mất mát cả về vật chất lẫn tinh thần. Thật sự đây là điều nguy hiểm mà các bạn khó có thể lường trước được. Khi các bạn dành thời gian lên mạng, chìm đắm vào một thế giới ảo không hiện thực thì đến lúc bước ra thế giới thật, các bạn sẽ cảm thấy mình bị bỏ rơi, cảm thấy lạ lẫm, không thể nào xác định cho mình được một hướng đi đúng đắn. Đôi khi trầm trọng hơn, là lúc bạn nhận ra, tình cảm của mình và bố mẹ ngày càng bị rạn nứt, bạn bè của bạn sẽ xa lánh bạn.

 

Xã hội phát triển là điều tốt, một thế giới mà sự kết bạn và giao lưu được nhanh chóng và xích lại gần nhau hơn nhưng hãy cho nó đi vào một hướng đúng và hợp lý. Đừng sống ảo! Sống ảo chính là một căn bệnh khó có thể chữa được. Nó như con sâu đang ăn dần sức khỏe và tinh thần của các bạn trẻ. Vì vậy, hãy sống lành mạnh, sử dụng mạng xã hội hợp lý, hãy để nó là một phương tiện giúp bạn phát triển và tốt hơn. Đừng để nó giết chết đi tâm hồn của bạn.

 

Bài viết số 5

Hiểu một cách chung nhất, dịch vụ mạng xã hội hay thường được gọi tắt là mạng xã hội, là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian. Mạng xã hội có những tính năng như chat (trò chuyện), gửi e-mail (thư điện tử), phim ảnh, voice chat (trò chuyện bằng âm thanh hoặc hình ảnh), chia sẻ tài liệu, hình ảnh, video, lập các blog (trang web cá nhân)… Các dịch vụ này có nhiều cách để các thành viên tìm kiếm bạn bè, đối tác: dựa theo nhóm (có cùng điểm chung về trường học, địa phương…), dựa trên thông tin cá nhân (như địa chỉ e-mail, số điện thoại…), dựa trên sở thích cá nhân (như thể thao, phim ảnh, sách báo, hoặc ca nhạc), nghề nghiệp, lĩnh vực quan tâm…

Theo vi.wikipedia, mạng xã hội xuất hiện lần đầu tiên năm 1995 với sự ra đời của trang Classmate với mục đích kết nối bạn học, tiếp theo là sự xuất hiện của SixDegrees vào năm 1997 với mục đích giao lưu kết bạn dựa theo sở thích… Nhưng phải đến năm 2006, sự ra đời của Faceboook đánh dấu bước ngoặt mới cho hệ thống mạng xã hội trực tuyến với nền tảng lập trình “Facebook Platform” cho phép thành viên tạo ra những công cụ (apps) mới cho cá nhân mình cũng như các thành viên khác dùng.

Không kể các lợi ích về mặt kết nối bạn bè, kinh doanh hay giải trí…, ở góc độ nâng cao nhận thức và năng lực cá nhân, đặc biệt là vấn đề tư tưởng, của người dùng, mạng xã hội có những tác dụng tích cực đáng kể. Đó là:

 mở rộng một số quyền tự do cá nhân.

Đây là một lợi ích có thể nói là rất quan trọng và cơ bản mà sự phát triển của mạng xã hội đã giúp người sử dụng thể hiện ngày càng rõ nét. Người sử dụng có thể bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình về rất nhiều vấn đề trong xã hội, đặc biệt là với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, về các vấn đề trong xã hội, cả khen ngợi, phê bình lẫn phản biện, góp ý, đề xuất. Như vậy mạng xã hội đã tác động đến việc mở rộng quyền tự do ngôn luận, gián tiếp thúc đẩy quyền tự do báo chí, cũng như một số quyền tự do dân chủ khác. Mạng xã hội còn giúp người dùng phát huy một số năng lực cá nhân, thông qua việc giới thiệu một số hoạt động, kỹ năng, sở trường… của mình, nhờ đó có thể xây dựng được hình ảnh tích cực với người khác hơn.

cập nhật tin tức, kiến thức, xu thế.

Một số mạng xã hội có tính năng like (thích) trang, người đọc sẽ nhận được ngay những thông tin cập nhật của trang mạng mình yêu thích hoặc quan tâm về các lĩnh vực, nhờ đó có thể nhanh chóng cập nhật xu thế mới nhất của lĩnh vực hoặc vấn đề mình yêu thích. Đồng thời, qua việc thực hiện chức năng chia sẻ (share) thông tin, hình ảnh của những người trong danh sách bạn bè (friendlist) của mình, người đọc có thể tiếp cận được những thông tin, kiến thức bổ ích mà có khi bản thân không tự tìm kiếm được.

 cải thiện và nâng cao một số kỹ năng sống.

Hiện mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều các trang dạy các kỹ năng như ngoại ngữ, nấu ăn, sửa chữa, giao tiếp, tâm lý, thể dục thể thao… để người sử dụng có thể xem tham khảo, tự học và có thể học bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào mà không cần đến lớp hay phải tốn học phí. Hoặc khi cần, nhiều người có thể nhờ bạn bè hỗ trợ thông tin, kỹ năng, cách xử lý các tình huống cụ thể. Chính nhờ tham gia mạng xã hội, chúng ta có thể học được nhiều kỹ năng cơ bản và cần thiết trong cuộc sống.

 bày tỏ cảm xúc, chia sẻ cảm xúc và nắm bắt tâm trạng của nhiều người khác.

Bày tỏ cảm xúc, tâm trạng, ý kiến… trong một số chừng mực nào đó là có lợi cho bản thân, bởi ít nhiều góp phần giải tỏa được ức chế đồng thời có thể qua đó thông báo cho bạn bè của mình biết tình trạng của mình để được nhận sự chia sẻ, giúp đỡ… Đồng thời, khi biết được cảm xúc của người khác, mỗi người có thể bày tỏ thái độ của mình, qua đó tạo sự đồng cảm, gắn kết với nhau nhiều hơn. Không chỉ vậy, với nhà quản lý, việc nắm bắt được tâm trạng, suy nghĩ, quan điểm của người khác, nhất là người trong phạm vi quản lý của mình, có thể phần nào hiểu được họ đang biểu lộ như thế nào, từ đó bản thân có thể có điều chỉnh trong việc ban hành các quyết định quản lý.

Leave a Comment