5 bài văn nghị luận biết ơn mẹ việt nam anh hùng

Bài văn số 1 Tuổi trẻ hôm nay có thể không biết đến đạn bom, không tận mắt chứng kiến những đau thương mất mát trong 2 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của …

Bài văn số 1

Tuổi trẻ hôm nay có thể không biết đến đạn bom, không tận mắt chứng kiến những đau thương mất mát trong 2 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, nhưng họ đều hiểu rằng cái giá của cuộc sống hôm nay là sự hy sinh của nhiều thế hệ lớp người đi trước đã anh dũng hy sinh, là những nỗi đau, sự mất mát lớn lao của những người mẹ Việt Nam anh hùng.Sẽ chẳng có sự đền đáp nào xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các mẹ cho Tổ quốc hôm nay.Sinh thời, Bác Hồ đã từng nói: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”(Hồ Chí Minh toàn tập).Đất nước mình trải qua bao cuộc trường chinh máu lửa, người mẹ Việt Nam đã gánh cả nỗi đau giang sơn trên đôi vai gầy yếu của mình, đi suốt cả một chiều dài lịch sử của dân tộc.Từ những bà Trưng, bà Triệu, đến nữ tướng Bùi Thị Xuân… đã làm khiếp đảm quân thù. Lớp tiếp lớp, bước tiếp bước anh hùng và phải chăng đó là mạch nguồn để người mẹ Việt Nam đi vào lịch sử.Người mẹ Việt Nam từ ngàn đời đã trở thành biểu tượng cao quý của lòng nhân hậu, đức kiên trung, một đời lam lũ, tảo tần, “biết hy sinh mà chẳng nói nhiều lời” (Tố Hữu), chắt chiu nuôi dưỡng biết bao thế hệ anh hùng của dân tộc.Đất nước bị xâm lăng, cũng như đời mẹ nhọc nhằn trong suốt những tháng năm dài dằng dặc đấu tranh để bảo vệ, gìn giữ cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc cho đất nước.Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, những người mẹ Việt Nam đã phải chịu đựng nhiều hy sinh mất mát, đau thương. Niềm khát khao, mơ ước của người mẹ là dù phải vất vả cực nhọc, gian lao đến thế nào đi chăng nữa thì cũng cố gắng dồn hết sinh lực nhỏ nhoi để sinh con, bảo vệ con và nuôi dạy con thành người có ích cho đất nước, dân tộc.Có thể khẳng định rằng: Đứa con là niềm vui, niềm an ủi, là động lực vô biên để giúp người mẹ vượt qua những thăng trầm của cuộc sống. Người xưa cũng đã có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Đứa con mẹ mang nặng đẻ đau, suốt đời mẹ nhường cơm, sẻ áo, “chỗ ướt mẹ nằm, chỗ khô ráo dành con”. Vậy nên có nhà thơ đã viết: “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương…”Mẹ là điểm tựa, niềm tin, là bóng mát chở che, là nhựa sống truyền cho những đứa con lớn lên thành “Những người con gái, con trai/ Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép” Mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng các con, yêu con hơn hết thảy. Nhưng trước vận mệnh của đất nước, bị lâm nguy, mẹ thà mất con, nhưng không để mất nước.Và rồi những người con của mẹ đã ra đi và không bao giờ trở về nữa, để mẹ một mình với sự lặng im. Vẫn biết chiến tranh là mất mát, hy sinh, nỗi đau đó trải dài trên cơ thể mẹ Việt Nam. Ngày nay, trên quê hương Việt Nam yêu dấu của chúng ta có rất nhiều bà mẹ đã trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược.Các mẹ đã dâng hiến những người con yêu quý nhất, là một phần máu thịt của mình, cho Tổ quốc. Hàng ngàn, hàng vạn những bà mẹ đã nén chặt nỗi đau trong lòng để đưa tiễn những người con lên đường giết giặc, cứu nước.

Bài văn số 2

Tự bao đời nay, tình mẹ luôn được ngợi ca như biển Thái Bình, “như nước trong nguồn chảy ra”. Quả thực vậy tình mẫu tử là một tình cảm thiêng liêng, cao quý theo ta suốt cuộc đời này. Mẹ là người đã phải trải qua chín tháng mười ngày vất vả, khổ cực để sinh thành nên ta, mẹ nuôi dưỡng ta bằng tiếng hát, bằng dòng sữa mát ngọt dịu êm. Mẹ tần tảo lo lắng nuôi dạy cho ta thành người, mẹ như ánh sao rực rỡ soi sáng cuộc đời của ta, làm sao có thể nói hết công lao to lớn, vĩ đại của mẹ, làm sao gánh hết những vất vả, nhọc nhằn mẹ chịu vì con. Mỗi lần cất tiếng gọi mẹ là lòng ta lại dâng trào bao cảm xúc, mẹ – chỉ một từ thôi sao mà thiêng liêng quá đỗi. Mẹ như người thầy, người chị chia sẻ với ta những kinh nghiệm sống, động viên ta những lúc ta buồn, thất bại trong học tập, chia tay với người yêu. Mẹ là động lực để ta tin tưởng và có niềm tin vào cuộc đời, mẹ luôn là người dang tay đỡ ta khi ta vấp ngã, khi ta khó khăn. Mẹ vất vả, hi sinh cả cuộc đời mình cho ta mà không than thở điều gì cả, có những lúc ta cáu giận vô cớ, nặng lời với mẹ, mẹ chỉ im lặng, mẹ lặng lẽ giấu nước mắt trong nụ cười với ta. Mẹ luôn động viên, tin tưởng vào quyết định của ta. Mẹ, tình mẹ cao cả và tuyệt vời biết bao, mỗi chúng ta cần phải biết trân trọng, yêu thương, chăm sóc, quan tâm đến mẹ nhiều hơn nữa, có bao giờ chúng ta để ý đến tóc mẹ đã điểm những sợi bạc, có hay những nếp nhăn hằn nơi khóe mắt. Mẹ yêu thương, chăm sóc ta từng li từng tí, vậy mà vẫn còn nhiều kẻ không biết trân trọng, yêu quí mẹ của mình, có những người con bất hiếu đối xử tệ bạc với mẹ mình, không làm tròn chữ hiếu, đạo làm con. Hỡi những ai đang còn có mẹ bên mình, hãy trân trọng những phút giây quí báu này: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?”

Bài văn số 3

Một trong những đức tính quý báu của con người Việt Nam đó là truyền thống về đạo lý của lòng biết ơn. Biết ơn là sự ghi nhớ, trân trọng những gì mình nhận được từ người khác từ đó có những hành động thiết thực để đền đáp công ơn đó. Người có lòng biết ơn là người có những việc làm và hành động thiết thực đẹp đẽ. Lòng biết ơn của con người Việt Nam được thể hiện ở tục thờ cúng ông bà tổ tiên, những hành động hướng về, tri ân những người có công với đất nước như: ngày thương binh liệt sĩ, ngày nhà giáo Việt Nam, ngày bác sĩ Việt Nam,… những ngày này con người ta tưởng nhớ về nhau, dành cho nhau những lời chúc, những món quà và những điều tốt đẹp nhất. Lòng biết ơn của con người giúp đất nước phát triển nhân văn hơn, giàu tình cảm hơn. Là một người học sinh, tương lai tươi sáng của đất nước, mỗi chúng ta ngay từ bây giờ hãy tích cực trau dồi và rèn luyện đức tính biết ơn để sau này trở thành một con người vừa có tài lại vừa có đức xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của cha ông đi trước.

Bài văn số 4

"Chúng ta không thể nào quên hình ảnh của những người mẹ "sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa", những hình ảnh của những người mẹ không ngại hiểm nguy, đào hầm nuôi giấu cán bộ, chèo thuyền chở chiến sĩ qua sông, nuôi bộ đội đánh giặc và bản thân cũng trở thành người chiến sĩ, bị giặc bắt tù đày, tra tấn nhưng vẫn hiên ngang đối mặt với quân thù…Đất nước hòa bình, không có niềm vui nào bằng ngày trở về, nhưng cũng không có nỗi đau nào bằng nỗi đau trong ngày chiến thắng khi những người thân yêu nhất mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại.

Bài văn số 5

Chiến tranh đã qua đi rất lâu, sống trong những năm tháng không bom đạn, trong niềm hạnh phúc của những người dân trên một đất nước hòa bình, ổn định, những mỗi khi gợi nhắc lại nỗi đau về những năm tháng khốn khó trong bom rơi đạn lửa mà biết bao con người phải hi sinh đánh đổi để có được cuộc sống ấm êm yên bình hôm nay, mỗi chúng ta hẳn đều có chút bồi hồi.Trong những năm tháng khốc liệt ấy, biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam đã ra chiến trường, hi sinh trong bao cuộc chiến đấu, có những người tuổi còn chưa tròn đôi mươi, có người cái tên đồng đội chưa kịp nhớ. Hi sinh ấy được đất nước nghiêng mình. Nhưng có những hi sinh còn nhiều hơn thế, ở đó có nỗi đau của những người mẹ mất chồng, mất con sau cuộc chiến.Mất mát vì chiến tranh nhiều vô vàn song có lẽ sự mất mát của những bà mẹ là vết thương lòng khó lành nhất. Những người chồng, những người con, người cháu của họ đã ra đi vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Mất mát ấy theo những người phụ nữ suốt cả cuộc đời. Trong cuộc chiến đấu, năm tháng cách mạng dân tộc, họ nuốt hết mất mát đau thương vào lòng. Khi hòa bình lập lại, họ chẳng còn gì riêng tư mà hi vọng. Tài sản lớn nhất là gia đình, những người chồng, người con nay đã không còn nữa. Những thương đau ấy, điều gì lấy lại được cho họ?

 

Các mẹ là những người anh hùng trên đất nước nhỏ bé này. Thật không khỏi chạnh lòng, cũng không thể đong đếm được hết những nỗi đau các mẹ phải gánh chịu để đất nước vinh danh. Không có sự vinh danh nào sánh được, cũng không có đau đớn nào lớn hơn.Tuy vậy, danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” chỉ như một sự vinh danh nhỏ nhoi sau cuộc chiến để dân tộc này, đất nước này nghiêng mình trước các mẹ. Ngày 29/8/1994 Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng".Ngày 17/12/1994 Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định số 394/CTN tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" cho 19.879 bà mẹ Việt Nam có chồng, con tham gia trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ đât nước.Hoà bình đã trở về với dân tộc Việt Nam, niềm vui đã trở lại nhưng nỗi đau thì vẫn còn đấy. Có Mẹ hàng ngày vẫn đang hoà mình vào cuộc sống đang đổi thay từng ngày từng giờ, nhưng có Mẹ đã không còn nữa vì tuổi già nhưng vẫn vinh dự được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Đó như một nguồn an ủi nhỏ nhoi dành cho các mẹ, bởi các mẹ sống đã làm nên niềm tự hào cho dân tộc này.Hẳn ai cũng xúc động trước những tâm sự của một người mẹ Việt Nam anh hùng: “Quá nửa đời mẹ sống trong bom đạn, hòa bình rồi phải gương mẫu lao động xây dựng quê hương. Các con của mẹ hy sinh vì nước, vì dân cũng là để cho quê hương yên bình, no ấm. Đau thương, buồn tủi nhưng mẹ cũng rất tự hào”.Trước dịp kỉ niệm ngày phụ nữ Việt Nam 20 – 10, tôi nghĩ về các bà mẹ của đất nước Việt Nam nhỏ bé của tôi, họ đều là anh hùng, bởi họ đã sinh ra chúng ta. Nhưng hơn hết thảy, các mẹ Việt Nam hi sinh những người đàn ông trong gia đình mình trao cho cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước trong hai cuộc chiến của dân tộc là những anh hùng vĩ đại nhất. Xin gửi lời tri ân tha thiết nhất đến các mẹ. Mong các mẹ luôn vui sống để đất nước còn được bù đắp cho đau thương mất mát của Mẹ.

 

Leave a Comment