15 bài văn nghị luận quyết tâm hay nhất

Bài văn số 1 Ý chí nghị lực là bệ phóng đưa con người đến với thành công. Nghị lực, ý chí chính là bản lĩnh, lòng quyết tâm vươn lên trong cuộc sống của …

Bài văn số 1

Ý chí nghị lực là bệ phóng đưa con người đến với thành công. Nghị lực, ý chí chính là bản lĩnh, lòng quyết tâm vươn lên trong cuộc sống của mỗi con người. Có ý chí, con người luôn vững vàng trước thử thách phong ba. Họ cho khó khăn là trải nghiệm; xem nghịch cảnh là môi trường để rèn luyện. Qua khó khăn đó, ý chí nghị lực được hình thành, được tôi luyện, con người mới có thể hiên ngang, bản lĩnh giữa cuộc đời. Người có ý chí là người luôn dám đương đầu với mọi thử thách, luôn bền gan vững chí trước mọi sóng lớn gió to. Họ sống mạnh mẽ, cứng cỏi, kiên cường; thất bại không nản. Nguyễn Ngọc Ký, Nick Vujick, Hellen Keller… là những tấm gương sáng, đem đến cho ta bài học quý báu về giá trị của ý chí, nghị lực và sự quyết tâm. Người có ý chí nghị lực luôn được mọi người yêu quý và trân trọng. Người có ý chí, nghị lực biết khắc phục hạn chế của bản thân, tìm ra đường đi từ ngõ cụt, biết xuyên thủng màn đêm của khó khăn để bước ra ánh sáng. Bởi thế ý chí nghị lực là sức mạnh vô hạn tận giúp người sở hữu nó chiến thắng tất cả để bước tới thành công.

Bài văn số 2

Sức mạnh cơ bắp của con người là có hạn nhưng nghị lực và ý chí lại vô hạn. Không gì có thể cản được bước chân bạn đi đến cái đích mà bạn đã chọn và cũng đừng bao giờ đánh mất niềm tin vào năng lực thật sự của bản thân bởi chỉ cần có ước mơ và sự quyết tâm đi đến cùng với nó thì tự khắc thành công sẽ đến với bạn.

Khi được hỏi: Bạn hiểu thế nào về ý nghĩa của hai từ “quyết tâm” thì ai cũng có thể nói được quyết tâm là sự cố gắng, làm việc bền bỉ không ngừng để đi đến thành công. Nhưng số đông mới chỉ nêu được định nghĩa cơ bản về sự quyết tâm. Chưa chắc mọi người đã hiểu được ý nghĩa đích thực của sự quyết tâm chỉ cho đến khi họ thật sự trải nghiệm, sống với nó và cùng nó đi đến đỉnh vinh quang.

Dám ước mơ, dám thực hiện, không từ bỏ mục tiêu và chấp nhận thất bại là sự đầu tư cơ bản nhất của thành công. Đa phần những người nổi tiếng, những tỷ phú hay những người có tầm ảnh hưởng đến cộng đồng đều có cùng ý nghĩ sự quyết tâm là chìa khóa để mở cánh cửa thành công. Chắc chắn ai trong số họ cũng đã từng vấp ngã và có lẽ số lần thất bại của họ còn nhiều gấp mấy lần so với những người bình thường khác. Không buồn bã, buông xuôi như đa số người khác đã làm mà họ chọn cách bắt đầu lại. Thành công luôn chờ đợi những người kiên trì quyết tâm theo đuổi mục tiêu đến cùng như Walt Disney từng cho rằng: “Tất cả những giấc mơ đều có thể thành sự thật nếu chúng ta đủ can đảm để theo đuổi chúng”.

 

Một cậu bé bị bỏng nặng gần hết phần thân dưới và phải sống trên đôi chân què quặt suốt đời. Tưởng như số phận bất hạnh đã đè bẹp cậu. Nhưng không, với ý chí ngoan cường vượt lên hoàn cảnh. Năm 1934, cậu bé khuyết tật ấy đã ghi tên mình vào trang vàng của lịch sử nhân loại khi phá kỷ lục thế giới nội dung chạy một dặm với thành tích 4’06’’08, trở thành “người đàn ông thép của Kansas” Glenn Cunningham. Chính sự nỗ lực bền bỉ không ngừng cùng lòng quyết tâm cao độ đã thắp lên niềm tin, làm bùng lên sức mạnh trong Glenn Cunningham giúp anh đi đến cái đích của sự vinh quang.

Bên cạnh những người đạt được thành công do nỗ lực thì thực tế lại có vô số kẻ sống không có mục đích, không có khát khao và hy vọng. Luôn mang theo tư tưởng những người khác có được thành công là nhờ may mắn còn họ vì xui xẻo mà luôn giậm chân tại chỗ. Lối suy nghĩ thiển cận, thói quen chỉ nhìn những gì trước mắt mà đánh giá khiến họ mãi chìm sâu vào bóng tối của sự thất bại, không hiểu thế nào là niềm vui chiến thắng khi có được thành công do nỗ lực.

Là một tân sinh viên trong tương lai, tôi thiết nghĩ hành trang mình cần phải có để bước vào đời là sự quyết tâm. Nó sẽ là một động lực giúp tôi đứng dậy mạnh mẽ hơn sau mỗi lần thất bại để bước tiếp con đường dẫn đến thành công.

Henry Ford – người truyền lửa cho những bánh xe Ford, với quyết tâm bất chấp khó khăn, đã nói một câu rất nổi tiếng: “Khi cả thế giới dường như chống lại bạn, hãy nhớ rằng chiếc máy bay luôn cất cánh ngược gió”. Hãy luôn giữ trong mình ngọn lửa của sự quyết tâm và thành công sẽ đến với bạn.n

Bài văn số 3

Ngày nay, có bao người chỉ vừa mới gặp, dù chỉ là một trở ngại nho nhỏ là đã nản chí. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn có những con người có ý chí, nghị lực, quyết tâm đạt được mục đích chính đáng của mình. Và từ chính những trải nghiệm của bản thân, họ đã nhận ra rằng: Có chí thì nên. Đây cũng chính là một bài học cho cuộc sống được truyền lại từ bao đời nay và trở thành bài học vô cùng quý giá cho biết bao thế hệ. Để hiểu được tại sao câu tục ngữ này lại có giá trị to lớn đến như vậy đối với đời sống của con người, chúng ta hãy cùng tìm hiểu?

Trước hết, chúng ta phải hiểu được ý nghĩa của lời khuyên này. Có chí thì nên mang ý nghĩa rất sâu sắc. Trong câu trên, “chí” được hiểu là ý chí, là hoài bão, lí tưởng tốt đẹp, là nghị lực, sự kiên trì của con người. Còn “nên” là sự thành công, thành đạt trong mọi việc. Từ đó, ta hiểu câu trên nhằm khẳng định vai trò, ý nghĩa to lớn của ý chí trong cuộc sống. Khi ta làm bất cứ một việc gì, nếu chúng ta có ý chí, nghị lực thì nhất định chúng ta sẽ kiên trì vượt qua được mọi khó khăn, chông gai của cuộc sống để đi đến thành công. Còn nếu thiếu ý chí, ta sẽ không làm được gì cả, dần sẽ cảm thấy chán nản, buông xuôi khi gặp khó khăn. Vậy tại sao có “ý chí” thì con người sẽ có tất cả? Chúng ta sẽ cùng đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi này. Ý chí là mặt năng động, là nỗ lực khắc phục khó khăn của con người. Xét về tâm lí học, thì ý chí chính là một thuộc tính cá nhân. Nó không được tự sinh ra mà là được hình thành, tôi luyện trong quá trình con người đấu tranh với khó khăn, thiếu thốn, thử thách trong cuộc sống. Do vậy, không khải ai cũng có ý chí. Nhưng trong thực tế, có trường hợp người vốn thiếu quyết tâm, kém ý chí phấn đấu vậy mà do những va vấp, thất bại nên họ trở nên có ý chí cầu tiến, có quyết tâm thực hiện mục tiêu đã định. Những con người như thế ngày càng nhiều trong xã hội. Vậy người có ý chí là người không sợ nguy hiểm, không chùn bước trước khó khăn, kiên trì theo đuổi mục đích, dồn mọi nỗ lực để khắc phục khó khăn. Vậy nên, chúng ta dễ hiểu tại sao người có ý chí là người luôn thành công trong mục đích đề ra của mình. Không chỉ là cơ sở dẫn đến thành công trong cuộc sống, “ý chí” còn giúp chúng ta hình thành những nhân cách tốt đẹp trong mỗi con người.

Trong quá trình gắng hết sức mình thực hiện những mục tiêu đã đề ra, ý chí và những phẩm chất của con người được hình thành. Những phẩm chất này vừa đặc trưng cho cá nhân với tư cách là môt nhân cách, vừa có ý nghĩa to lớn cho đời sống và lao động của họ. Những phẩm chất tốt làm cho con người trở nên tích cực hơn. Ý chí được biểu hiện trong hành động, thoảng qua những phẩm chất cơ bản là tính mục đích, tính độc lập, tính quyết đoán, tính kiên trì, tính dũng cảm và tính tự chủ. Vậy tại sao biết có ý chí thì có lợi ích to lớn như vậy mà nhiều người vẫn thiếu sự quyết tâm, thiếu ý chí tinh thần phấn đấu? Dường như, sự tự giác, tự thân vận động của chính bản thân họ đã bị mất đi do cuộc sống quá tiện nghi và đầy đủ. Họ hài lòng với cuộc sống an nhàn nên thiếu sự nỗ lực, ý ý chí cầu tiến. Sẽ tai hại hơn khi chính họ chưa được dạy cách thích ứng với mọi tình huống bất ngờ xảy đến, chưa được rèn luyện.

Bài văn số 4

Hôm nay, hôm nay, ngày mai con người đã sống, đang sống và sẽ sống. Họ sẽ sống mãi mãi đến khi nào lụi tắt hoàn toàn hi vọng, khi nào mục đích thật sự đi vào ranh giới của lụi tàn. Mục đích là điều mà con người luôn hướng tới, luôn muốn đạt được vì đó là điều duy nhất khích lệ họ quyết tâm đến cùng để mà tiếp tục sống và hành động. Mục đích có thể cho ta tất cả và cũng có thể là không nếu như mục đích ấy là cao cả hay tầm thường. “Nếu không có mục đích, anh không là được điều gì cả. Anh cũng không làm được cái gì vĩ đại nếu mục đích tầm thường”. Lời nói ấy của D. Điđơrô cho đến bây giờ vẫn âm thầm, lặng lẽ ngự trị trong tâm linh mỗi một con người, vẫn cùng các thế hệ tiếp tục dấn thân tiếng bước vào đường đời.

Hai chữ “mục đích” là điều mà mỗi một người luôn đặt ra phấn đấu, để có thể đặt bước chân vào vùng trời của mơ ước, hi vọng. Vì lẽ đó mục đích luôn được con người xem như là chìa khóa mở cánh cửa cuộc đời. Có thể nói, mục đích chính là những gì ta hướng tới, là kết quả phải đạt được mà ai cũng xác định trước khi hành động. Nói cách khác, mục đích chính là cái mà ta phải trân trọng để theo đuổi và phấn đấu đạt tới trong công việc hay trong mọi mặt của đời sống.

Không chỉ được tạo hóa rộng lòng ban cho một tình cảm thánh thiện mà chúng ta còn có cả lí trí sâu sắc, sáng suốt để mà phân biệt đúng sai, nên hay không nên khi hành động. Nếu như hành động thiếu mục đích, không có định hướng trong công việc, việc gì cũng làm, “Bá nghệ bá tri vị chi ba láp” thì chẳng việc lớn nào có thể thành công. Sống trên đời nếu như chẳng có một phút giây nung nấu, hướng tới mục đích thì dường như tất cả trở nên vô nghĩa, con người sẽ trở nên vô dụng, chẳng thể nào nếm trải hương vị của thành công. Để có được sự chắc chắn thành công trước khi làm một việc gì, con người cần đặt ra mục đích phải đạt được rồi mới tìm cách để thực hiện mục đích ấy. Không có một công việc nào trong cuộc sống lại không có mục đích: mục đích của lao động là để có của cải, mục đích của ăn là để sống, mục đích của học tập là sự hiểu biết, tiến bộ. Nó sẽ là phương hướng dẫn dắt mọi hoạt động của con người. Có mục đích, con người mới có động lực thúc đẩy trong công việc, có niềm vui và niềm tin vào công việc mình làm.

Mỗi một công việc là mỗi một mục đích khác nhau. Có thể là mục đích lớn, nhỏ, xấu, tốt, vĩ đại hay vị kỉ, tầm thường. Cuộc đời con người chỉ có một, thế nên mỗi người cần có một mục đích để hướng tới. Mục đích ấy chứng minh ta la một con người theo đúng nghĩa như những gì tạo hóa đã ban tặng. Và thật đẹp biết bao nếu mục đích ấy là cao cả, hướng tới vẻ đẹp chân, thiện, mĩ. Và D. Điđơrô đã hoàn toàn đúng khi một lần nữa khẳng định rằng “Anh cũng sẽ không làm được cái gì vĩ đại nếu mục đích tầm thường”.

Mục đích tầm thường là mục đích hướng tới kết quả vị kỉ, hẹo hòi, chỉ có lợi cho bản thân cá nhân mà không hướng tới cộng đồng, nhân loại, chỉ nhìn mối lợi trước mặt mà không thấy tác hại về sau. Sống bằng mục đích tầm thường sẽ bị buộc chặt vào danh lợi, ham muốn tầm thường. Và cuộc đời ấy chỉ thu vào tầm ngắm nhỏ hẹp chẳng thể nào đến được với một chân trời mới mở rộng của ngày sau, cũng như “một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”. Sống với mục đích tầm thường, con người ta tự bằng lòng với chính mình, không có tinh thần phấn đấu thế nên kết quả đạt được cũng chỉ tầm thường như mục đích tầm thường. Phải chăng đó là sự hoài nghi với chính mình, với chính năng lực mình có thể?

Gạt đi tất cả sự hoài nghi, bỏ đi tất cả những cái gọi là mục đích tầm thường, con người phải hướng tới cái gì gọi là mục đích cao cả, vĩ đại. Mục đích cao cả, vĩ đại là luôn hướng về Tổ quốc, dân tộc, luôn nghĩ đến “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, hay luôn vì người chứ không vì riêng ta. Mục đích cao cả, tốt đẹp sẽ hóa thành động lực thúc đẩy con người không ngừng vươn lên trong cuộc sống, vượt qua trở ngại, thử thách, biến ước mơ thành hiện thực, nó sẽ là ngọn đuốc chỉ đường, là nguồn sức mạnh động viên con người tập trung ý chí, nghị lực và trí tuệ để thực hiện tốt mọi công việc. Sống có mục đích, lí tưởng đẹp con người sẽ giàu ý chí, nghị lực, thắng không kiêu bại không nản mà làm nên sự nghiệp lớn. Như vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta, Người đã không ngại gian khổ bôn ba khắp nơi trên thế giới, lúc thì làm đầu bếp trên tàu, lúc thì bị bắt giam, bị giải đi qua biết bao ngục tù,… nhưng rồi Người vẫn không nản chí. Tất cả khó khăn, gian khổ ấy Người đã trải qua không chút oán thán, không một ngày lụi tắt ý chí, hi vọng. Tất cả chỉ vì một mục đích là giải phóng dân tộc, đưa dân tộc ta thoát khỏi đêm đen của nô lệ để hướng tới bình minh của những ngày độc lập, tự do. Và Người đã để lại câu nói bất hủ, chứng minh cho mục đích cao cả, vĩ đại mà cả đời Người hướng tới cho đến lúc Người đã ra đi: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho đất nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Không chỉ riêng Bác, thực tế lịch sử cho thấy những tên tuổi lưu danh muôn đời đều là mục đích sống lớn lao, cao cả. Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung,… ai cũng chung một khát vọng lớn là bảo vệ Tổ quốc, đánh đuổi ngoại xâm, giành chủ quyền độc lập, tự do thiêng liêng cho dân tộc.

Bài văn số 5

Thành công luôn là mục đích của tất cả mọi người. Tuy nhiên con đường để đến với thành công không bao giờ là dễ dàng. Nó phải trải qua biết bao nhiêu trông gai và thử thách, đòi hỏi mỗi người phải có lòng kiên trì và ý chí quyết tâm cao. Chẳng thế mà ông cha ta từ xưa đã truyền lại bí quyết thành công cho thế hệ sau thông qua câu tục ngữ: “Có chí thì nên”.

Vậy câu nói có nghĩa là gì? “Chí” là hoài bão, lí tưởng tốt đẹp, ý chí, nghị lực, sự kiên trì. Chí là điều cần thiết để con người vượt qua trở ngại, là nguồn động lực để ta có thể thực hiện được ước mơ mục đích của bản thân. Chí ở đây cũng là sư kiên trì, quyết tâm theo đuổi đến cùng một vấn đề. Còn “nên” ở đây chính là thành quả mà mỗi người đạt được khi đã kiên trì và quyết tâm. Câu tục ngữ nhằm khẳng định vai trò, ý nghĩa to lớn của ý chí trong cuộc sống. Khi ta làm bất cứ một việc gì, nếu chúng ta có ý chí, nghị lực và sự kiên trì thì nhất định chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, trở ngại để đi đến thành công.

“Có chí thì nên” mang ý nghĩa rất sâu sắc. Câu nói ấy là một lời khuyên, một bài học mà ông cha ta đã đúc kết từ ngàn đời truyền lại cho con cháu chúng ta, khẳng định đức tính kiên nhẫn, bền bỉ chính là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. Muốn thành công phái trải qua quá trình rèn luyện lâu dài. Đôi lúc sự thành công lại được rút từ những kinh nghiệm thất bại. Ý chí, nghị lực bền bi và sự kiên trì là sức mạnh quan trọng nhất giúp ta đi đến thành công. Càng gian nan, chịu đựng thử thách trong công việc thì thành công càng vinh quang, càng đáng tự hào. Thực tế đã cho chúng ta thấy có rất nhiều những trường hợp điển hình thể hiện rõ được sự đúng đắn của câu tục ngữ “Có chí thì nên”. Ví như trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, từ cuộc kháng chiến chống quân Minh của vua tôi nhà Lê đến cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ của nhân dân ta trong những năm vừa qua, tất cả đều thử thách ý chí kiên trì bền gan vững chí của cả dân tộc để rồi ta lại dành được độc lập nhu mong ước đánh tan lũ bán nước, cướp nước. Trong xã hội ngày nay cũng có rất nhiều tấm gương có ý chí nghị lực phi thường khác như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký dù bị liệt cả hai tay nhưng không phải vì vậy mà thầy đầu hàng số phận. Thầy đã tập viết bằng chân và với nỗ lực, nghị lực phi thường thầy đã tốt nghiệp trường đại học và đã trở thành một nhà giáo mãu mực được mọi người kính trọng.

 

Leave a Comment