5 bài văn nghị luận rác ngôn ngữ

Bài văn số 1 Rác ngôn ngữ là gì? Rác thải ngôn ngữ được hiểu là ngôn từ dùng không đúng chuẩn mực, không đúng thuần phong mĩ tục của dân tộc.Sử dụng tiếng lóng, …

Bài văn số 1

Rác ngôn ngữ là gì? Rác thải ngôn ngữ được hiểu là ngôn từ dùng không đúng chuẩn mực, không đúng thuần phong mĩ tục của dân tộc.Sử dụng tiếng lóng, nói bậy, chửi tục,…Sử dụng tiếng Việt tùy tiện, bừa bãi. Sự bùng nổ công nghệ thông tin, giới trẻ được tiếp xúc với nhiều luồng văn hóa, nhưng không có sự cân nhắc, lựa chọn một cách kĩ lưỡng trước khi sử dụng. Bắt theo trào lưu sử dụng tiếng lóng, tiếng nước ngoài,… Sự buông lỏng trong khâu quản lí của các trang mạng xã hội khiến cho “rác ngôn ngữ” càng trở nên phổ biến. Mọi người cần ý thức, sử dụng và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Có biện pháp quản lí chặt chẽ hơn các phương tiện truyền thông.

Bài văn số 2

Gắn liền với thứ ngôn từ tự chế kia là các tít báo đầy giật gân và lệch chuẩn tiếng Việt. Thí dụ như: “Top ngực trần nhất làng sao Việt”; “Diễn viên Thủy Top: Tôi nổi tiếng không phải vì ngực khủng”, “Làm thế nào để nâng cấp “núi đôi”?Những ngôn ngữ tự chế được dùng nhiều rồi dần dần quen thuộc chễm chệ trên báo chí như một thứ chuẩn mực đã được thẩm định. Có một tờ báo dành cho lứa tuổi học trò học đòi tiếng Anh, còn tự thêm chữ ‘s” vào từ “quý tộc” trong bài báo. Và kể từ đó khi viết từ “quý tộc” thì tờ báo này sẽ viết là “quýs tộc”. Từ “quýs tộc” đã nhanh chóng lan đi như một thứ mốt thời thượng, nghiễm nhiên được coi là “chuẩn không cần chỉnh”.Một dạo, trên nhiều báo, hai từ “đắng lòng” xuất hiện quá nhiều trong các tiêu đề. Tần suất xuất hiện nhiều đến mức trở thành một trào lưu trên mạng xã hội, có nhiều người hễ viết gì thế nào cũng có từ “đắng lòng”. Nếu thử lên Google gõ từ “đắng lòng” thì bạn sẽ nhận được khoảng 834 nghìn kết quả trong 0,53 giây. Nhiều như vậy nhưng nhiều người vẫn hiểu theo nghĩa đen đắng lòng là chỉ bộ lòng của lợn, bò, gà… bị đắng và chúng ta ăn phải sẽ cảm thấy đắng ở trong lòng. Thế là lại có những tít báo mạng kiểu như: “Cách chọn lòng để không bị đắng”.Bà Thanh Thảo (Hà Nội) nhận định: “Tôi tra từ điển thì biết “đắng lòng” chỉ một trạng thái đau đớn thấm thía về tinh thần, việc báo chí sử dụng từ “đắng lòng” quá nhiều không phải là sáng tạo mà có nguy cơ làm lệch chuẩn tiếng Việt, nhưng nhiều tờ báo, nhất là báo mạng không ngại giật tít để tăng lượt xem. Đã dần có sự phớt lờ với sự trong sáng của ngôn ngữ tiếng Việt”

 

Bài văn số 3

Mấy năm nay, các nhà xuất bản đua nhau in truyện tranh dành cho thiếu nhi, khiến thị trường nhan nhản loại ấn phẩm này. Điều này thể hiện khá rõ nét nhu cầu của lớp độc giả nhỏ đối với truyện tranh – tín hiệu mừng đối với văn hóa đọc, nhưng lại là điều đầy lo ngại khi mà các ấn phẩm bằng tranh cứ hiện diện ngày càng dày những ngôn từ  thiếu sự trong sáng của tiếng Việt.Có thể gọi đó là hệ quả của sự cải biến. Người ta đưa vào các xuất bản phẩm cả tiếng nước ngoài nói kiểu "bồi", cả tiếng lóng, những lời thoại cụt lủn, cộc lốc đến "lệch chuẩn". Không chỉ những bản dịch từ truyện tranh nước ngoài có nội dung, hình ảnh thiếu thẩm mĩ, mà ngay cả truyện tranh Việt cũng có những lời lẽ trái với văn hóa Việt. Trong ấy đầy rẫy những kiểu gọi thầy giáo là "lão ấy", gọi bố mẹ là "ông già", "bà già", bạn bè thì "con nọ, con kia"… Không thiếu cả những từ ngữ ngoài giang hồ, kiểu như: "chiến",, "dính chưởng"… Điển hình như nhân vật bà nhũ mẫu trong "Truyện chàng hoàng tử và cô công chúa kỳ lạ" được vẽ là một bà già, nhưng lại được gán cho những câu nói rất… "teen". Khi hoàng tử và công chúa gặp nhau, quá vui sướng vì hai người đã yêu nhau, bà già thốt lời: "Hic, đôi trẻ thật đáng thương"… Công chúa cũng "Hic, ta nhớ chàng quá!"… Già trẻ, bất kể lớp người nào cũng "hic" như nhau. Đấy là chưa kể trong rất nhiều truyện tranh khác, các nhân vật cứ vô tư nói những câu không chủ ngữ, "cá mè một lứa"… với nhau. Với độc giả lứa tuổi đọc truyện tranh, đây quả thực là một hiện tượng "lợi bất cập hại" khi đối diện với loại ngôn ngữ này.

Bài văn số 4

Dân tộc ta rất trân trọng tiếng Việt bởi nó không chỉ là ngôn ngữ chính của quốc gia. Mà nó còn là mạch nguồn sức sống nền văn hóa đa chiều, được nối tiếp lịch sử từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, là gốc rễ gìn giữ bồi đắp nuôi dưỡng nhân cách hồn cốt con người Việt. Bởi vậy từ xa xưa, trong lối sống, cách nghĩ, cho đến đường ăn nhẽ ở, ông cha ta đã rất chú trọng đến lời nói, thế mới có “Lời nói đọi máu”, chỉ vì lời nói mà có thể dẫn đến xung đột, chiến tranh giữa các quốc gia, mất đoàn kết trong gia đình cộng đồng. Cho nên, trong cuộc sống vẫn thường nhắc nhau "Lời nói không mất tiền mua/lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", đây chính là sự khéo léo, tế nhị thâm thúy của người Việt. Tự hào lắm khi chúng ta là con em dân tộc Việt được sử dụng ngôn ngữ đa chiều, nhiều nghĩa phong phú và rất hiện đại.Thế nhưng, trong thời đại Công nghệ 4.0, nền tảng của khoa học công nghệ đã mang lại cho con người nhiều tiện ích, mọi khoảng cách về không gian và thời gian bị xóa nhòa bởi sự kết nối của thế giới phẳng. Tuy nhiên, tính “hai mặt” của một vấn đề vẫn luôn tồn tại, mọi người đã quá quen, thậm chí rất nhàm chán với các video clip phản cảm, thiếu văn hóa, như:  “Nói tục, chửi thề” của giới trẻ xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Các hành vi thiếu văn hóa được cổ động ảo trên mạng xã hội gây nên sự lây lan không thể kiểm soát hết, đã biến cái xấu thành cái được tung hô, ủng hộ, gây nên sự ngộ nhận, khiến cho những tiêu chuẩn về sự trong sáng của tiếng Việt đang bị xô lệch. Nếu có dịp ngồi ở các quán nước vỉa hè trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), hay trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), hoặc trên phố Ngô Xuân Quảng, Trâu  Quỳ (huyện Gia Lâm) … nơi tập trung các trường Cao đẳng, Đại học, chúng ta dễ dàng bắt gặp những hiện tượng nói tục, chửi thề, sử dụng ngôn ngữ chát phổ biến. Trong tư duy của họ, phát ngôn những từ như vậy không phải là xấu, mà đó là ngôn ngữ giao tiếp bình thường, thậm chí một số còn thích “chêm” nói tục, chửi thề vào câu chuyện thì mới chứng tỏ mình sành điệu. Tiến sĩ Trần Thị Vân Anh, Giảng viên Ngôn ngữ báo chí, Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyền truyền cho biết: “Tiếng Việt có hai biến thể cơ bản, đó là biến thể văn hóa văn bản và biến thể văn hóa thông dụng. Tuy nhiên biến thể văn hóa thông dụng, sử dụng ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày đang bị giới trẻ lạm dụng, sử dụng lệch chuẩn, không phù hợp với môi trường giáo dục và cuộc sống hiện đại”. Cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, hiện nay nhiều gia đình mải làm ăn, lo toan cuộc sống nên ít quan tâm đến nói năng, ứng xử giao tiếp của con cái hơn, một số gia đình lại thờ ơ, không quan tâm trước các hiện tượng lệch lạc ngôn ngữ của con mình, cho đó là phong cách của tuổi trẻ. Còn đối với các Nhà trường hiện nay vẫn nghiêng nhiều hơn về dạy kiến thức, mà chưa chú trọng nhiều đến việc điều chỉnh hành vi, lối sống của học sinh, việc giáo dục ngôn ngữ và đạo đức chưa thực sự được tiến hành ráo riết, nên suy nghĩ, ý thức và hành động của giới trẻ đối với tiếng mẹ đẻ chưa được đúng đắn. Để  xây dựng môi trường giao tiếp, ứng xử có văn hóa không bị “rác” ngôn ngữ làm ô nhiễm, Tiến sĩ Trần Thị Vân Anh cho rằng: “Giải pháp căn bản là phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của gia đình, nhà trường và cả những nhà ngôn ngữ học, các ngành chức năng phải có những hành động cụ thể chấn chỉnh, điều hướng và hình thành thói quen sử dụng ngôn ngữ tốt đẹp cho xã hội. Muốn làm được điều đó, phải xây dựng một quy tắc chuẩn mực cụ thể”. Có thể thấy, nói tục, chửi thề để lại rất nhiều tác hại, hiệu ứng của nói tục dù là vô tình hay cố ý cũng đều gây khó chịu cho người nghe, sứt mẻ mối quan hệ, làm tổn thương người khác. Không chỉ có vậy, người nói tục, chửi thề cũng tự làm giảm đi giá trị bản thân và không đáng cho người khác tôn trọng. Để môi trường văn hóa hiện nay không bị ô nhiễm bởi “rác” ngôn ngữ, các bậc phụ huynh nên quan tâm, chia sẻ, xem con mình như những người bạn để thấu hiểu tâm tư nguyện vọng, có những điều chỉnh phù hợp, để các con hiểu rằng buông lỏng giá trị ngôn ngữ là rất gần với buông lỏng giá trị hành vi chuẩn mực của con người.

 

Bên cạnh đó, chương trình giáo dục trong các Nhà trường, cần xây dựng một chương trình học tiếng Việt phù hợp, khoa học, với tinh thần giảm tải áp lực kiến thức, tăng kỹ năng giao tiếp và kỹ năng sống cho học sinh, khích lệ tinh thần nói lời hay ý đẹp, từ đó, nâng cao ý thức gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Đối với các cơ quan báo chí, truyền thông cần đề cao cách nói, cách viết chuẩn mực góp phần định hướng cho xã hội, đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống lại những kiểu giao tiếp lệch chuẩn. Vẫn biết loại bỏ triệt để “rác” ngôn ngữ trả lại môi trường văn hóa trong sạch trong xã hội hiện nay, không phải một sớm một chiều nhưng là điều có thể làm được.

Bài văn số 5

Mỗi một người khi sinh ra đều có quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình, có tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ ta biết nói đầu tiên. Tiếng Việt là ngôn ngữ trong sáng, đa dạng, phong phú và mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Thế nhưng hiện nay việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ lại trở thành một vấn đề tương đối phức tạp và khó khăn, cùng với đó là việc học tập tiếng nước ngoài cũng khiến cho ngôn ngữ nước nhà có phần thay đổi.Tiếng Việt của chúng ta vốn là một ngôn ngữ vô cùng đa dạng, phong phú. Trong tiếng Việt có rất nhiều cách nói đa thanh, đa nghĩa, chỉ cần trong câu văn đảo trật tự từ hoặc thay đổi cách ngắt nghỉ hay thêm bớt một từ thôi là nghĩa của câu có thể hoàn toàn thay đổi. Tiếng Việt cũng giống như linh hồn của đất nước vậy, nó là bản sắc, là hồn túy của dân tộc. Tiếng Việt chất chứa bề dày lịch sử, nét văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Người Việt sử dụng tiếng Việt mới thẩm thấu được nhiều những lớp ý nghĩa trong cách nói năng của mọi người. Còn tiếng Việt là còn đất nước. Thế nhưng hiện nay, tiếng Việt lại ngày một trở nên mai một, biến chất. Con người sử dụng tiếng mẹ đẻ không còn khéo léo, phong phú như trước nữa. Nếu để ý, bạn sẽ thấy thế hệ cha ông chúng ta dùng nhiều những từ cổ, cách nói có nhiều ca dao tục ngữ, lời lẽ đa dang, muốn bay bổng có bay bổng, muốn hài hước có hài hước, muốn bi thương có bi thương. Còn giới trẻ hiện nay, không những không nắm bắt được ngữ nghĩa của nhiều từ mà cách sử dụng tiếng mẹ đẻ cũng bó hẹp trong những từ thông dụng, căn bản, không thể hiện được sự đa dạng, nhiều sắc thái của tiếng Việt.Thêm vào đó, việc sử dụng nhiều tiếng lóng, các từ ngữ nước ngoài, chữ cách tân khiến cho tiếng Việt bị biến chất. Việc học tập tiếng nước ngoài thì ngày càng trở nên phổ biến hơn, thông dụng hơn, dễ dàng hơn. Người Việt sử dụng tiếng Anh ngày càng nhiều và thông thạo. Không những thế tiếng tiếng Hàn, tiếng, Trung Quốc, tiếng Nhật Bản cũng ngày càng phố biến. Việc học tiếng nước ngoài và học tiếng Việt dường như tỉ lệ nghịch với nhau. Người Việt thì sử dụng tiếng nước ngoài ngày càng nhiều nhưng sử dụng tiếng Việt thì lại càng biến chất, nghèo nàn.Có những thay đổi trên một phần là do sự phát triển của cuộc sống xã hội, sự hội nhập của nước ta với thế giới khiến cho các mặt của đời sống xã hội, kinh tế chính trị đều thay đổi trong đó có yếu tố văn hóa. Chúng ta đang đẩy mạnh giảng dạy tiếng nước ngoài trong giáo dục để phục vụ cho việc công tác sau khi ra trường. Các doanh nghiệp nước ngoài đang tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều. Các bộ phim, chương trình truyền hình, làn sóng idol… đã khiến cho các bạn trẻ ngày càng sử dụng nhiều từ nước ngoài. Thay vào đó, việc vận dụng linh hoạt ngôn ngữ mẹ đẻ khá xa lạ và khó khăn với các bạn. Điều này dẫn đến tiếng Việt ngày càng bị mai một, biến chất, có nhiều từ ngữ thậm chí không còn được sử dụng trong giao tiếp, trong đời sống hàng ngày.Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trong đó có tiếng nước ngoài là rất tốt. Nhưng song song với đó, chúng ta phải có ý thức chủ động giữ gìn tiếng mẹ đẻ của mình bằng cách thường xuyên đọc sách, lắng nghe và sử dụng thường xuyên ngôn ngữ tiếng Việt một cách đa dạng, phong phú. Có như vậy chúng ta mới gìn giữ được những nét đẹp của ngôn ngữ dân tộc chúng ta.

Leave a Comment