Giáo án bài Hướng dẫn ôn tập trong hè theo CV 5512 phát triển năng lực

Kéo xuống để xem hoặc tải về! Tải file 34 Hướng dẫn ôn tập trong hè   I.             MỤC TIÊU CẦN ĐẠT Giúp học sinh : 1.            Kiến thức    – Hệ thống lại toàn …

Kéo xuống để xem hoặc tải về!

34 Hướng dẫn ôn tập trong hè

 

I.             MỤC TIÊU CẦN ĐẠT

Giúp học sinh :

1.            Kiến thức

   – Hệ thống lại toàn bộ kiến thức trong chương trình lớp 11 gồm 3 phần: văn học, tiếng Việt và Làm văn.

2. Kĩ năng

–  Hệ thông hóa kiến thức bằng bảng tổng hợp, trong đó có sự so sánh đối chiếu.

– Rèn luyện các kĩ năng về đọc – hiểu văn bản văn học, sử dụng tiếng Việt và kĩ năng làm văn.

3.Thái độ

Nghiêm túc trong quá trình ôn tập.

4. Định hướng các năng lực cần hình thành cho HS

    – Năng lực chung:

          + Năng lực giải quyết vấn đề (giải quyết các câu hỏi, bài tập, nhiệm vụ, yêu cầu mà giáo viên đề ra).

          + Năng lực tự học, tự khám phá tri thức, thu thập thông tin.

          + Năng lực hợp tác (phối hợp với các thành viên để giải quyết các câu hỏi, bài tập khó, sưu tầm tài liệu…)

          + Năng lực sáng tạo

          + Năng lực tự quản bản thân.

    – Năng lực chuyên biệt:

          + Năng lực giao tiếp tiếng Việt:: trình bày, suy nghĩ , cảm nhận về những tri thức cơ bản  về VHVN hiện đại và VH NN.

         + Năng lực tổng kết, hệ thống hóa những kiến thức cơ bản của chương trình Ngữ văn 11 đã học.

 

II. SỰ CHUẨN BỊ CỦA GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH

1.  Giáo viên:

– SGK ngữ văn 11 tập 2, SGV ngữ văn 11 tập 2.

– Thiết kế giáo án; Bài giảng điện tử.

2. Học sinh:

-SGK; bài soạn.

–  Bảng hệ thống HS  tự soạn, bảng phụ.

III. TIẾN TRÌNH LÊN LỚP

1. Ổn định lớp

2. Kiểm tra bài cũ

3. Định hướng nội dung ôn tập

 

A. ÔN TẬP TIẾNG VIỆT

1. Ôn tập – luyện tập các biện pháp tu từ về từ và ngữ pháp

a. Ôn tập lý thuyết về các biện pháp tu từ về

– Từ: So sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, đối lập, nói giảm nói tránh – nói quá, điệp từ,chơi chữ, …

– Câu (Ngữ pháp): Câu hỏi tu từ, đối, lặp cấu trúc cú pháp, liệt kê, điệp ngữ, đảo ngữ, …….

Ở các phương diện:

•             Khái niệm

•             Đặc trưng – nhận biết.

•             Tác dụng

b. Luyện tập các biện pháp tu từ về từ, câu:

Tìm và chỉ ra tác dụng biểu đạt của các biện pháp tu từ trong các đoạn văn bản dưới đây:

-Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng

Như xuân đến chim rừng lông trở biếc

Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương.

                                                         ( Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)

— Từ những năm  đau thương chiến đấu

Ðã ngời lên nét mặt quê hương

Từ gốc lúa bờ tre hiền hậu

Ðã bật lên tiếng thét căm hờn.

                                            ( Ðất nước- Nguyễn Ðình Thi ) 

— Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dận Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.

          Không ! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ .

                                                ( Hồ Chí Minh )

-Hãy thù ghét

                                    mọi ao tù

                                    nơi thân ta rữa mục

                                    mọi thói quen

                                    nếp nghĩ – mù lòa!

                                    Hãy sống như

                                    những con tàu

                                    phải lòng

                                    muôn hải lý

                                    mỗi ngày

                                    bỏ

                                    sau lưng

                                    nghìn hải-cảng-mưa-buồn!…”

(Bài thơ Việt Bắc- Trần Dần)

 

2. Ôn tập – luyện tập về phong cách ngôn ngữ văn bản

a.Ôn tập lý thuyết về các phong cách ngôn ngữ  (PCNN): PCNN Sinh hoạt, PCNN nghệ thuật, PCNN báo chí, PCNN chính luận về các phương diện:

– Khái niệm

-Đặc trưng

-Nhận biết

b. Luyện tập về các PCNN

Xác định PCNN của các văn bản dưới đây:

–   “Thưa quý vị! Đã phải trải qua những cuộc chiến tranh ngoại xâm tàn bạo và đói nghèo cùng cực nên khát vọng hòa bình và thịnh vượng của Việt Nam chúng tôi càng cháy bỏng. Chúng tôi luôn nỗ lực tham gia kiến tạo hòa bình, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh của chúng ta. Việt Nam đã sẵn sàng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Chúng tôi sẵn lòng đóng góp nguồn lực, dù còn nhỏ bé, như sự tri ân đối với bạn bè quốc tế đã giúp chúng tôi giành và giữ độc lập, thống nhất đất nước, thoát khỏi đói nghèo. Việt Nam đã và sẽ mãi mãi là một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế…”.           (Trích Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước phiên thảo luận cấp cao của Đại Hội đồng LHQ khóa 68 )

-Chị Phan Ngọc Thanh (người Việt) cùng chồng là Juae Geun (54 tuổi) đã làm nhân viên lau chùi trong khu chung cư được 5 năm. Họ có 2 con: con trai lớn 6 tuổi, bé gái 5 tuổi. Ước mơ đổi đời đã đưa họ lên chuyến phà tới Jeju. Phà SeWol gặp nạn và gia đình chị chỉ có một chiếc áo phao duy nhất.  Trong khoảnh khắc đối mặt giữa sự sống và cái chết họ quyết định mặc chiếc áo phao duy nhất cho cô con gái nhỏ và đẩy bé ra khỏi phà. Bé được cứu sống nhưng hiện nay những nhân viên cứu hộ vẫn chưa tìm thấy người thân của bé.(Web. Pháp  luật đời sống. Ngày 16/4/2014)

-Gửi con trai,

Trong cuộc sống hôm nay, quá nhiều người thành đạt và thông minh, những tiêu chuẩn đánh giá một "người tốt" dường như không còn được chú ý quá nhiều. Người ta có thể điên cuồng theo đuổi thành công, sự giàu có, nhưng cha nguyện cầu con sẽ trở thành người đàn ông như con mong muốn và đừng quên lời cha dặn:

1. Đừng ghét bỏ những người không tốt với con. Trong xã hội này, không ai có trách nhiệm phải đối tốt với con, ngoại trừ cha và mẹ con.

Với những người tốt với con, hãy trân trọng và cảm ơn họ. Nhưng con cũng nên thận trọng, bởi ít ai hành động mà không có động cơ. Ai đó tốt với con, không có nghĩa là anh ta hoàn toàn yêu quý con vô tư. Hãy cẩn thận trước khi coi anh ta là một người bạn thực sự.

2. Không ai là không thể thiếu, không điều gì trên thế giới này nhất định phải là của con. Một khi hiểu điều này, con sẽ bước đi trong cuộc đời dễ dàng hơn khi mọi người xung quanh dần rời đi, khi những người thân yêu nhất của con không còn nữa.

3. Cuộc sống rất ngắn ngủi. Lãng phí thời gian hôm nay, ngày mai con sẽ phải trả giá. Càng trân trọng cuộc sống, con càng sống tốt hơn.

4. Tình yêu chỉ là cảm xúc thoáng quá, nó có thể phai nhạt theo thời gian và tâm trạng của con. Nếu như người con yêu rất nhiều rời đi, hãy kiên nhẫn, thời gian sẽ xóa dần nỗi buồn và sự đau đớn. Đừng đắm chìm quá sâu vào vị ngọt của tình yêu, đừng vùi mình trong nỗi buồn khi tình yêu rời bỏ con.

5. Rất nhiều người thành công không học hành nhiều, nhưng không có nghĩa là con giống họ. Mọi kiến thức con tích lũy sẽ trở thành vũ khí cho cuộc sống của con. Người ta có thể từ nghèo hèn trở nên giàu có, nhưng trước tiên họ phải bắt đầu hành động.

….

-Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may

Áo em sơ ý cỏ găm đầy

Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

Ai biết lòng anh có đổi thay

(Hoa cỏ may – Xuân Quỳnh)

B. ÔN TẬP LÀM VĂN

1. Ôn tập – luyện tập các phương thức biểu đạt

a. Ôn tập các phương thức biểu đạt: Tự sự, biểu cảm, miêu tả, thuyết minh, nghị luận, hành chính công cụ ở các phương diện

– Khái niệm

-Đặc trưng

b. Luyện tập các phương thức biểu đạt

Xác định các phương thức biểu đạt trong đoạn văn bản sau và chỉ ra phương thức biểu đạt nào là phương thức chính?

-Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu

Trái tim lầm chỗ để trên đầu

Nỏ thần vô ý trao tay giặc

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu…

(Tâm sự – Tố Hữu)

-Tôi có đọc bài phỏng vấn Ngô Thị Giáng Uyên, tác giả cuốn sách được nhiều bạn trẻ yêu thích “Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương”. Trong đó cô kể rằng khi đi xin việc ở công ti Unilever, có người hỏi nếu tuyển vào không làm marketing mà làm sales thì có đồng ý không. Uyên nói có. Nhà tuyển dụng rất ngạc nhiên bởi hầu hết những người được hỏi câu này đều trả lời không. “Tại sao phỏng vấn marketing mà lại làm sales ?”. Uyên trả lời: “Tại vì tôi biết, nếu làm sales một thời gian thì bộ phận  marketing sẽ muốn đưa tôi qua đó, nhưng đã quá muộn vì  sales không đồng ý cho tôi đi.”

            Chi tiết này khiến tôi nhớ đến câu chuyện về diễn viên Trần Hiểu Húc. Khi đó cô đến xin thử vai Lâm Đại Ngọc, đạo diễn Vương Phù Lâm đã đề nghị cô đóng vai khác. Hiểu Húc lắc đầu “Tôi chính là Lâm Đại Ngọc, nếu ông để tôi đóng vai khác, khán giả sẽ nói rằng Lâm Đại Ngọc đang đóng vai một người khác.” Đâu là điều giống nhau giữa họ? Đó chính là sự tự tin. Và tôi cho rằng, họ thành công là vì họ tự tin.

            Có thể bạn sẽ nói: “Họ tự tin là điều dễ hiểu. Vì họ tài năng, thông minh, xinh đẹp. Còn tôi, tôi đâu có gì để mà tự tin”  Tôi không cho là vậy. Lòng tự tin thực sự không bắt đầu từ gia thế, tài năng, dung mạo… mà nó bắt đầu từ bên trong bạn, từ sự hiểu mình. Biết mình có nghĩa là biết điều này: Dù bạn là ai thì bạn cũng luôn có trong mình những giá trị nhất định.

(Theo Phạm Lữ Ân – Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn, 2012)

2. Ôn tập- Luyện tập các thao tác lập luận

a. Ôn tập các thao tác lập luận: So sánh, bác bỏ, bình luận, phân tích

– Khái niệm

-Cách lập luận

b. Luyện tập các thao tác lập luận

Xác định các thao tác lập luận trong các đoạn văn bản dưới đây và chỉ ra thao tác lập luận chính của đoạn?

-Nhiều người cho rằng có tiền là có tất cả. Tiền bạc quả thật có sức mạnh lớn lao. Nhưng tiền bạc không phải là vạn năng.

Nó có thể mua được chiếu giường, nhưng không mua được giấc ngủ.

Nó có thể mua được châu ngọc, nhưng không mua được sắc đẹp

Nó có thể mua được giấy bút, nhưng không mua được ý thơ

Nó có thể mua được nhà cửa, nhưng không mua được gia đình

Nó có thể mua được thức ăn, nhưng không mua được sự ngon miệng

Nó có thể mua được trò chơi, nhưng không mua được niềm vui

Nó có thể mua được xu nịnh, nhưng không mua được lòng trung thành

Nó có thể mua được cánh hẩu, nhưng không mua được tình bạn

Nó có thể mua được sự phục tùng, nhưng không mua được lòng kính trọng

Nó có thể mua được quyền thế, nhưng không mua được trí tuệ

Nó có thể mua được thể xác, nhưng không mua được tình yêu

Nó có thể mua được vũ khí, nhưng không mua được hòa bình.

(Theo Thác-cơ-rê, dẫn theo Ngữ văn 11 Nâng cao, tập hai,

NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr. 17)

-“Tiếng suối trong như tiếng hát xa”… Nguyễn Du, Bạch Cư Dị so tiếng đàn với tiếng suối. Thế Lữ lại so tiếng hát trong với nước ngọc tuyền (suối ngọc). Những người này không miêu tả trực tiếp tiếng suối. Chỉ có Nguyễn Trãi cho tiếng suối là tiếng đàn cầm. Có lẽ đó là hình ảnh gần nhất với hình ảnh trong câu thơ này. Có thể chẳng phải ngẫu nhiên. Nguyễn Trãi sành âm nhạc. Bác Hồ cũng thích âm nhạc. Tiếng hát của một danh ca Pháp từng thích nghe thời trẻ, đến tuổi bảy mươi Bác còn nhờ chị Mađơlen Rípphô tìm lại hộ. Tiếng suối ngàn của đất nước hay đó là tiếng hát của trái tim người nghệ sĩ yêu đời.(Lê Trí Viễn)

 

 

-Tục ngữ là lý lẽ. Lý lẽ thì muôn hình vạn trạng, có thể tìm thấy cách nói ngắn gọn tương đương ở dạng tục ngữ. Để nói “lòng dạ con người thay đổi khôn lường”, chúng ta có câu ca dao-tục ngữ “Mai mưa, trưa nắng, chiều nồm/ Trời còn thay đổi huống mồm thế gian”. Có hàng loạt tục ngữ nói về quan hệ nhân quả. Bình luận về một con người bạc ác, hay hãm hại người khác, chúng ta nói Nó hay hại người, tất có người hại nó. Câu này là lập luận dựa trên lý lẽ về thuyết nhân quả “gieo gió thì gặt bão”, “sinh sự thì sự sinh”. Một gia đình trước kia giàu có, quyền cao chức trọng nhưng ăn ở với mọi người không ra gì, hống hách, kiêu bạc… sau đó đời con cháu bị sa sút, trở nên nghèo hèn, người ta có thể bình luận “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước mà”. Có hàng loạt những lời ngợi khen chê trách, ban thưởng hay trừng phạt, khuyến khích hay can ngăn… cũng đều dùng tới lý lẽ về quan hệ nhân quả “có chí thì nên”, “có công mài sắt có ngày nên kim”, “hay đi đêm tất có ngày gặp ma”, “giậu đổ bìm leo mà !”…

Tục ngữ  phản ánh nhận thức con người về quy luật xã hội và tự nhiên, quy luật về những mối quan hệ giữa các sự kiện, hiện tượng. Chúng là lý lẽ, triết lý của một cộng đồng xã hội, của một dân tộc. Vì vậy tục ngữ là kho tàng lý lẽ về mọi phương diện của cuộc đời người sống trong trời đất.

C. ÔN TẬP VĂN HỌC

1. Ôn tập kiến thức về :

– Khái quát văn học 1930-1945

– Tác giả- tác phẩm tiêu biểu của bộ phận – xu hướng văn học

+Văn học lãng mạn: Vội vàng – Xuân Diệu, Tràng Giang- Huy Cận, Đây thôn vĩ dạ _ Hàn Mặc Tử, Chữ Người tử tù – Nguyễn Tuân, Hai đứa trẻ -Thạch Lam.

+Văn học hiện thực phê phán: Chí Phèo – Nam Cao, Hạnh phúc của một tang gia – Vũ Trọng Phụng, Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài.

+Văn học cách mạng: Từ ấy – Tố Hữu, Chiều tối – Hồ Chí Minh.

2.Một số đề thường gặp

-Phân tích hình ảnh thiên nhiên và con người phố huyệnnghèo lúc chiều tối trong truyện ngắn

-Vì sao chị em Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam đêm nào cũng cố thức để được nhìn chuyên tàu đi qua,Thạch Lam muốn nói gì với người đọc?

Chất hiện thực và chất lãng mạn trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

-Phân tích nhân vật Huấn Cao

– Phân tích viên quản ngục

– Phân tích cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục trong truyện ngắn Chữ người tử tù

– Cảm nhận của anh/ chị về ánh sáng và bóng tối trong Hai Đứa trẻ và Chữ người tưt tù.

– Phân tích nghệ thuật trào phúng đặc sắc trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia thuộc chương XV tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng.

– Phân tích các chân dung biếm họa trong “Hạnh phúc của một tang gia”

– Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo trong truyện ngắn: “Chí Phèo” của Nam Cao từ buổi sáng sau khi gặp Thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời để làm nổi rõ bi kịch của nhân vật này.

– Phân tích bi kịch của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao

– Đọc Chí Phèo của Nam Cao, có ý kiến cho rằng: “Bi kịch của Chí Phèo là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người”, lại có ý kiến khẳng định: “Bi kịch của Chí Phèo, hơn thế, còn là bi kịch con người tự từ chối quyền làm người.”

– Kết thúc tác phẩm “ Chí Phèo” của Nam Cao là chi tiết:

…“ Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua…”

Suy nghĩ của anh/ chị về chi tiết kết thúc trên?

-Giá trị hiện thực và nhân đạo trong truyện Chí Phèo

– Từ cách nhìn của Thị Nở đối với nhân vật Chí Phèo (Chí Phèo– Nam Cao), nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã liên hệ đến thiên chức của người nghệ sĩ. Và ông đã quả quyết rằng : Nhà văn như Thị Nở.

Anh/ chị hãy bàn về quan niệm trên và chứng minh rằng với tác phẩm Chí Phèo, Nam Cao đã làm tròn thiên chức của một nhà văn.

– Phân tích những mâu thuẫn trong đoạn trích Vĩnh Biệt Cửu Trùng Đài của Nguyễn Huy Tưởng và bày tỏ ý kiến về cách thức giải quyết mâu thuẫn trong đoạn trích

– Phân tích nhân vật Vũ Như Tô trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài

– Cảm nhận của anh, chị về sự tương đồng và nét độc đáo của hai nhân vật Huấn Cao (Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân) và Vũ Như Tô (Vĩnh biệt Cửu Trùng đài – trích Vũ Như Tô – Nguyễn Huy Tưởng).”

– Cảm nhận về bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu

– Cảm nhận về niềm khát khao tận hưởng sự sống trong bài thơ Vội vàng có ý kiến cho rằng đó là cái tôi vị kỷ, có ý kiến cho rằng đó là cái tôi tích cực khao khát tận hưởng cuộc sống. Bằng hiểu biết về vội vang, anh/ chi bình luận ý kiến trên?

– Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ 'Vội vàng’ của Xuân Diệu

– Nhạc tính trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu.

–Cảm nhận bài thơ

– vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ

– Không gian nghệ thuật trong bài thơ Tràng Giang của Huy Cận.

– Phân tích cái tôi trữ tình trong  bài thơ “Tràng Giang” – Huy Cận

-: Bàn về bài Tràng giang của Huy Cận, nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung đã khẳng định:“Bài thơ đã bộc lộ kín đáo mà thấm thía tình quê hương đất nước”.(Văn 11, NXB Giáo dục, Hà Nội 1997, tr. 238)

-Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

– Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên đất nước qua bài thơĐây thôn Vĩ Dạ

– Thời gian và tâm sự của tác giả trong Đây thôn Vĩ Dạ

– Cảm nhận bài thơ Chiều tối

– Chất cổ điển và hiện đại trong bài thơ Chiều tối ( Mộ) – Hồ Chí Minh

–  Đọc Nhật kí trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ Hoàng Trưng Thông viết:

Vần thơ của Bác vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.Cảm nhận của anh (chị) về chất thép và chất tình trong bài thơ đã học của Bác: Chiều tối. Từ chất thép, chất tình đó, anh (chị) hiểu được gì về con người Bác và phong cách thơ Hồ Chí Minh.

– Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong hai bài thơ Tràng giang (Huy Cận) và Chiều tối (Hồ Chí Minh)

– Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng.

– Em hãy phân tích khổ 1 bài thơ Từ Ấy của Tố Hữu để nhận thấy sự mãnh liệt trong tâm hồn người thanh niên khi được Đảng dẫn đường, đồng thời phân tích những biện pháp nghệ thuật tác giả sử dụng trong đoạn thơ?

– Nêu cảm nhận của anh (chị) về hai đoạn thơ sau :

“ Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn,

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng,

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,

Cho no nê thanh sắc của thời tươi,

– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

(Vội vàng – Xuân Diệu)

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải với trăm nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.

Tôi đã là con của vạn nhà

Là  em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm, cù bất cù bơ…”

(Từ ấy – Tố Hữu)

-Hãy phân tích vẻ đẹp của hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong hai bài thơ Chiều tối (Hồ Chí Minh) và Từ ấy (Tố Hữu).

 

D. ÔN TẬP VỀ LÍ LUẬN VĂN HỌC

1. Ôn tập một số thể loại văn học: Thơ, truyện, kịch.

– Khái niệm

– Yêu cầu đọc văn bản thơ, truyện, kịch.

2. Luyện tập: Vận dụng các bước đọc thơ, truyện , kịch vào các văn bản đã học để đọc hiểu

 

IV  HƯỚNG DẪN HỌC SINH TỰ HỌC

*HS về nhà cần  nắm vững hệ thống các kiến thức về: Văn học, Tiếng Việt, Tập làm văn.

*Hoàn thành các bài tập.

Leave a Comment