Giáo án bài Khi Con Tu Hú CV 5512 thi giáo viên giỏi

Kéo xuống để xem hoặc tải về! Tải file TÊN BÀI DẠY: KHI CON TU HÚ ( Tố Hữu) Môn học: Ngữ văn lớp: 8 Thời gian thực hiện:  2 tiết(  82,83 ) I. Mục …

Kéo xuống để xem hoặc tải về!

TÊN BÀI DẠY: KHI CON TU HÚ ( Tố Hữu)
Môn học: Ngữ văn lớp: 8
Thời gian thực hiện:  2 tiết(  82,83 )
I. Mục tiêu
1. Kiến thức: 
Giúp HS nắm được
– Những hiểu biết bước đầu về tác giả Tố Hữu.
– Nghệ thuật khắc họa hình ảnh( thiên nhiên, cái đẹp của cuộc đời tự do)
– Niềm khao khát cuộc sống tự do, lý tưởng cách mạng của tác giả.
 
2. Năng lực
a. Năng lực chung: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực giao tiếp và  hợp tác.
b. Năng lực chuyên biệt:
– Rèn luện kĩ năng cảm thụ bài thơ trữ tình.
– Đọc diễn cảm một tác phẩm thơ thể hiện tâm tư người chiến sĩ cách mạng bị giam giữ trong ngục tù.
– Nhận ra và phân tích được sự nhất quán về cảm xúc giữa hai phần của bài thơ; thấy được sự vận dụng tài tình thể thơ truyền thống của tác giả ở bài thơ này.
– Rèn KNS : giao tiếp, suy nghĩ sáng tạo, xác định giá trị bản thân
3. Phẩm chất:
– Giáo dục lòng  kính yêu những chiến sĩ cách mạng, biết ơn và yêu cuộc sống.
II. Thiết bị dạy học và học liệu
– Kế hoạch bài dạy, máy chiếu, máy tính, SGK, SGV, TLTK
– Phần chuẩn bị của HS
III. Tiến trình dạy- học
1. Hoạt động 1: Mở đầu
a)Mục tiêu: Giúp học sinh huy động những kiến thức đã học để kết nối vào bài học, tạo tâm thế và định hướng chú ý cho học sinh. 
b) Nội dung: Giáo viên hướng dẫn học sinh xác định vấn đề cần giải quyết qua thực hiện nhiệm vụ GV giao
c)  Sản phẩm: Phần kiến thức cũ của HS
d) Tổ chức thực hiện:
Hoạt động của GV và HS Nội dung cần đạt
Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ học tập:
? Em đã được học tác phẩm nào của nhà thơ Tố Hữu  trong chương trình Ngữ Văn THCS
Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ học tập
   Học sinh: làm việc cá nhân -> đứng tại chỗ trả lời
– Giáo viên quan sát, động viên, hỗ trợ khi học sinh cần.
Bước 3: báo cáo kết quả và thảo luận
– 1 HS báo cáo kết quả
 
Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ
 – GV nhận xét, đánh giá
 – GV  nhận xét, dẫn dắt vào bài học:           
Như vậy, ở chương trình Ngữ văn lớp 6, các em đã được tìm hiểu bài thơ “Lượm” của nhà thơ Tố Hữu.  Lên đến chương trình Ngữ Văn lớp 8, các em tiếp tục được tìm hiểu về thơ Tố Hữu qua bài thơ “ Khi con tu hú”. “ Khi con tu hú” là khúc ca tâm tình thể hiện sâu sắc lòng yêu cuộc sống và niềm khao khát tự do cháy bỏng, là bức chân dung tinh thần tự họa của người thanh niên cộng sản Tố Hữu . Giờ học ngày hôm nay, cô cùng các em sẽ tìm hiểu bài thơ này.
 
2. Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới
Nhiệm vụ 1: Giới thiệu chung
a)Mục tiêu: 
– Học sinh nắm được những thông tin chung về tác giả và tác phẩm
b) Nội dung: Giáo viên hướng dẫn học sinh xác định vấn đề cần giải quyết qua thực hiện nhiệm vụ theo hệ thống câu hỏi khai thác chú thích sgk
c)  Sản phẩm: Phần làm việc  và câu trả lời của HS 
+ Nêu được thông tin về tác giả
+ Nêu được hoàn cảnh sáng tác văn bản
d) Tổ chức thực hiện:
Hoạt động của GV và HS Nội dung cần đạt
 
Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ học tập:
 
?Qua việc đọc và chuẩn bị bài ở nhà một em hãy khái quát cho cô những thông tin chính về tác giả Tố Hữu?
? Ngoài những thông tin bạn đã trình bày có bạn nào bổ sung thông tin về tác giả không?
Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ học tập
–  Học sinh: lắng nghe câu hỏi-> vận dụng chú thích sgk làm việc cá nhân 
– Học sinh quan sát, trả lời câu hỏi
– Học sinh  bổ sung thông tin
 
Bước 3: báo cáo kết quả và thảo luận
Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ
– Học sinh nhận xét, đánh giá, bổ sung
– Giáo viên nhận xét, đánh giá
-> Giáo viên chốt kiến thức
Các em ạ! Mảnh đất Huế mộng mơ với sông Hương, núi Ngự cùng những làn điệu dân ca  đã sinh ra Tố Hữu con chim đầu đàn, lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Nhắc đến Tố Hữu chúng ta nhắc đến  sự thống nhất đẹp đẽ giữa cuộc đời cách mạng với cuộc đời thơ. Con đường thơ của ông  theo sát những biến cố lịch sử của dân tộc Việt Nam trong thế kỉ XX.
? Hãy kể tên một số tác phẩm chính của nhà thơ Tố Hữu?
GV: Ngay từ những ngày đầu bắt đầu sự nghiệp sáng tác, thơ Tố Hữu đã được soi sáng bởi lý tưởng cách mạng, thể hiện một tâm hồn nồng nhiệt, say sưa. Sự nồng nhiệt say sưa ấy đã xuyên suốt đời thơ của ông làm nên một phong cách thơ riêng biệt- phong cách nhà thơ- chiến sĩ Tố Hữu.
– Giáo viên chiếu tranh trường Quốc học Huế: Đây là trường Quốc học Huế với hai góc nhìn xưa và nay. Đây cũng chính là nơi ông đã giác ngộ lí tưởng cách mạng. Ông tham gia hoạt động cách mạng rất sôi nổi, tích cực. Sau cách mạng, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng và chính quyền : Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
– Giáo viên chiếu tiếp tranh Tố Hữu và Hồ Chí Minh: Tiếp theo là hình ảnh Tố Hữu và lãnh tụ  Hồ Chí Minh. Nhà thơ Tố Hữu là người viết về Hồ Chí Minh sâu sắc và cảm động, đặc biệt: Sáng tháng Năm, Theo chân Bác… 
 Với những đóng góp to lớn của mình cho sự nghiệp văn học nghệ thuật nước nhà. Ông được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 1996) và nhiều giải thưởng cao quý khác.
 
? Dựa vào chú thích * sách giáo khoa, em hãy cho biết hoàn cảnh ra đời của bài thơ có gì đặc biệt?
– Giáo viên:  Tố Hữu đang ở lứa tuổi 18 cảm thấy “ sung sướng vô biên khi bắt gặp lý tưởng cộng sản, đang say mê hoạt động cách mạng với tâm hồn phơi phới, lạc quan, yêu đời, bỗng bị nhốt giam trong nhà tù tăm tối, cách biệt hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài.
Các em quan sát tranh nhà lao Thừa Phủ Huế. Nơi được coi không khác gì chốn địa ngục trần gian, nơi đã từng giam cầm, tra tấn dã man nhiều cán bộ cách mạng của ta. Đây là nơi đã giam giữ người tù cách mạng Tố Hữu. Đến tháng 3/1942, Tố Hữu vượt ngục, bắt liên lạc với Đảng và đã tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tháng Tám (1945) tại Huế.
? Bài thơ được trích từ tập thơ nào?
– Giáo viên chiếu tranh tập thơ Từ ấy.
– Giáo viên giới thiệu: Đây là hình ảnh trang bìa tập thơ đầu tay của Tố Hữu. Tập thơ “Từ ấy” được đánh giá là cuốn cẩm nang tinh thần của thanh niên lúc bấy giờ.
I. Giới thiệu chung. 
1. Tác giả (1920- 2002)
 
– Tên thật: Nguyễn Kim Thành
– Quê: tỉnh Thừa Thiên Huế
– Lá cờ đầu của thơ ca cách mạng và kháng chiến.
– Sự thống nhất đẹp đẽ giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ.
– Một số tác phẩm chính: Từ ấy (1937-1946), Việt Bắc (1946-1954), Gió lộng (1955-1961), Ra trận (1962-1971), Máu và hoa (1972-1977), Một tiếng đờn (1979-1992)…
 
2. Văn bản 
– Hoàn cảnh ra đời: khi Tố Hữu bị giam cầm trong nhà lao Thừa Phủ Huế (7/ 1939)
Nhiệm vụ 2: Đọc – hiểu văn bản
a)Mục tiêu: 
– Học sinh nắm được những kiến thức cơ bản của văn bản, tìm hiểu được chú thích, thể thơ, chia bố cục và bức tranh thiên nhiên.
b) Nội dung:Giáo viên hướng dẫn học sinh xác định vấn đề cần giải quyết qua thực hiện nhiệm vụ khai thác văn bản.
c)  Sản phẩm: Phần làm việc  và câu trả lời của HS 
d) Tổ chức thực hiện:
 
Hoạt động của GV và HS Nội dung cần đạt
 
Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ học tập: HS đọc, tìm hiểu chú thích, pt bố cục, pt bức tranh mùa hè
 
Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ học tập
–  Học sinh: lắng nghe câu hỏi-> vận dụng kiến thức đã học -> khái quát kiến thức. 
Bước 3: báo cáo kết quả và thảo luận
 
Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ
– Học sinh nhận xét, đánh giá, bổ sung.
 – GV nhận xét, đánh giá
 – GV  nhận xét, chốt kiến thức 
? Bài thơ viết theo thể thơ nào?
– Thơ lục bát
? Trong bài thơ này, tác giả đã sử dụng những phương thức biểu đạt nào?
– Biểu cảm kết hợp miêu tả.
? Với thể thơ lục bát, phương thức biểu cảm kết hợp với miêu tả, theo em, ta nên đọc bài thơ này với giọng đọc như thế nào để thể hiện được cái hay, cái đẹp của bài thơ?
– Giáo viên hướng dẫn cách đọc: Đây là bài thơ trữ tình viết theo thể lục bát, lại ra đời trong hoàn cảnh tù ngục nên các em phải đọc thể hiện được cảm xúc của người tù trong bài thơ: Đoạn đầu với giọng tha thiết vui, náo nức, phấn chấn , đoạn sau với giọng bực bội, uất ức  và chú ý các từ ngữ cảm thán …
– Giáo viên đọc một đoạn -> gọi một học sinh đọc tiếp-> Gọi một HS đọc cả bài.
 
– Giáo viên theo dõi, sửa chữa lỗi đọc.
– Giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu chú thích.
? Em hiểu “nắng đào” là nắng như thế nào ?
? “Phòng” ở đây là gì ?
? Trong bài có nhắc đến loài chim tu hú. Em biết gì về loài chim này?
? Dựa vào bài soạn chuẩn bị ở nhà, hãy cho biết bài thơ có thể chia làm mấy phần? Nội dung từng phần?
– Chia bố cục: 6 câu đầu (phần 1), 4 câu cuối (phần 2)
– Giáo viên chiếu: 2 phần 
? Quay trở lại nhan đề bài thơ, em nhận thấy nhan đề bài thơ có gì đặc biệt?
? HS đọc 6 câu thơ đầu.
? Qua phần bạn đọc em nhận thấy giọng điệu của 6 câu thơ đầu có gì đặc biệt?
? Với giọng điệu vui tươi, hào hứng Tố Hữu đã vẽ lên một bức tranh mùa hè . Theo em, bức tranh mùa hè được tác giả miêu tả trực tiếp hay gián tiếp? Vì sao em biết?
?  Vậy bức tranh mùa hè ấy được hiện lên qua những phương diện nào?
? Quan sát vào bức tranh mùa hè trong 6 câu thơ trên  và cho  biết bức tranh  mùa hè được mở ra bằng những âm thanh nào ? 
? Những âm thanh đó có gì đặc biệt?
? Vậy những âm thanh ấy đã gợi ra một cuộc sống như thế nào?
GV bình: Bức tranh mùa hè được mở ra bằng âm thanh của tiếng chim tu hú gọi bầy, âm thanh của tiếng ve ngân nga trên vòm lá xanh râm mát và trên trời cao là âm thanh vi vu của diều sáo tạo thành bản nhạc giao hưởng tưng bừng, rộn rã. Để rồi sau những âm thanh ấy là một thế giới rộn ràng, tưng bừng, tràn trề sức sống đã mở ra, thức dậy, mời gọi làm cho nhân vật trữ tình quên đi nỗi cô đơn
? Vậy những màu sắc ấy được gợi lên qua những hình ảnh thơ nào ?
? Qua những chi tiết, hình ảnh thơ trên em có nhận xét gì về cách dùng từ ngữ của nhà thơ ?
? Thông qua những tính từ gợi tả màu sắc, em hình dung ra một bức tranh mùa hè như thế nào ?
GV bình : Bằng một loạt các tính từ chỉ màu sắc đặc biệt là sự sáng tạo trong dùng từ “nắng đào” (nắng hồng) nhà thơ Tố Hữu đã vẽ lên một bức tranh rực rỡ sắc màu, tràn trề nhựa sống.
? Bức tranh mùa hè đâu chỉ có âm thanh, màu sắc mà còn đong đầy hương vị. Em hãy tìm những chi tiết thơ miêu tả hương vị ấy ?
? Qua hai từ đang và từ dần, giúp em cảm nhận điều gì?
GV bình : Các phó từ : đang dần trong câu thơ “Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần” đã diễn tả được sự sống đang vận động bên  trong từng sinh thể. Các từ “đang ”, “dần” kết hợp với từ “chín ”, “ngọt” gợi ra sự vật đang trong giai đoạn căng tròn, viên mãn, ngọt ngào.
? Vậy một cuộc sống với hương vị như thế nào được gợi ra từ những hình ảnh thơ trên
GV : Bức tranh mùa hè rộn rã âm thanh, rực rỡ sắc màu, ngọt ngào hương vị được mở thêm ra qua  hình ảnh nào ?
? Theo em tác giả đã dùng những biện pháp nghệ thuật nào trong hai câu thơ trên ?
?Một không gian như thế nào hiện lên qua hai câu thơ đấy?
GV : Bầu trời xanh cao rộng, hình ảnh con diều sáo lộn nhào trong không gian  rộng lớn, bao la của bầu trời đầy nắng, gió, tất cả gợi ra một không gian tự do, thoáng đạt.
 Qua phần cảm nhận chi tiết, hình ảnh trên, em hãy nhận xét khái quát về cảnh mùa hè ở 6 câu thơ đầu?
– Giáo viên vừa chiếu vừa bình: Với hình ảnh thơ giản dị, gần gũi, thân thiết đã giúp người đọc cảm nhận được âm thanh tưng bừng, rộn rã. Bức tranh của mùa hè cũng được phối màu khá độc đáo, chan chứa ánh sáng, rực rỡ sắc màu: sắc vàng của lúa chiêm, của bắp, sắc hồng của nắng, sắc xanh của trời. Và đâu đó ngọt ngào, ngan ngát hương thơm của đồng lúa chín, của những trái cây trong vườn. 
  Rõ ràng, 6 câu thơ đầu không có một từ ngữ nào nói về mùa hè nhưng chúng ta vẫn nhận ra mùa hè thật sôi động, tràn đầy sức sống qua các hình ảnh: tiếng chim tu hú, lúa chiêm, trái cây, vườn, tiếng ve, diều sáo… Đây chính là bức họa bằng thơ được cảm nhận trong tâm tưởng của người chiến sĩ bị giam cầm trong ngục tối. Phải chăng đây là một cuộc vượt ngục bằng tinh thần, ý chí. Thật đúng như Hồ Chí Minh đã từng viết: 
Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao
Muốn nên sự nghiệp lớn
Tinh thần càng phải cao
? Từ đó em cảm nhận gì về nét đẹp tâm hồn của người tù cách mạng.
* Gv chuyển giao nhiệm vụ :
 HS tìm hiểu tiếp 4 câu còn lại của bài thơ. Khái quát được nội dung và nghệ thuật
 
II. Đọc – hiểu văn bản
 
1. Đọc – chú thích
 
– Thể thơ lục bác
– Phương thức biểu đạt:  Biểu cảm kết hợp miêu tả.
2. Bố cục: 2 phần
 
– Phần 1: Bức tranh mùa hè
– Phần 2: Tâm trạng của người tù cách mạng.
– Nhan đề: – Chưa trọn vẹn nghĩa.
– nhan đề bài thơ bỏ lửng như vậy sẽ gây tò mò, cuốn hút và gợi liên tưởng
 
3. Phân tích
a. Bức tranh mùa hè
        Khi con tu hú gọi bầy                                   
Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần
         Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào 
       Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không… 
– giọng điệu: vui tươi, hào hứng
– Miêu tả gián tiếp (chỉ là tái hiện trong tâm tưởng, miêu tả qua trí tưởng tượng). Vì nhà thơ đang bị giam trong nhà lao.
 
– Âm thanh, màu sắc, hương vị, không gian
* Âm thanh: 
+ Tu hú gọi bầy
+ Tiếng ve ngân
+ Tiếng diều sáo                 
-> âm thanh quen thuộc, gần gũi, là những âm thanh đặc trưng của mùa hè                      
-> gợi cuộc sống tươi vui, tưng bừng, rộn rã.
* Màu sắc: 
–  Màu vàng:
+  lúa chiêm chín
+ của bắp vàng hạt 
– Màu  hồng của nắng: nắng đào
– Màu xanh của trời                   
   -> Dùng những tính từ gợi tả màu sắc đẹp, rực rỡ, hài hòa, tươi tắn.
* Hương vị: 
+ lúa chiêm đang chín
+ trái cây ngọt dần.
  -> đang , dần: phó từ chỉ sự vận động của sự vật.
  ->  hương vị ngọt ngào.
*  Không gian:
– Trời xanh càng rộng càng cao
– Diều sáo lộn nhào từng không…
-> cặp từ hô ứng, tính từ, hình ảnh sống động, dấu chấm lửng.
-> không gian bao la, rộng lớn, tự do, khoáng đạt.
-> Bức tranh mùa hè đẹp, tràn đầy sức sống, chan chứa ánh sáng, rực rỡ sắc màu, ngọt ngào hương vị, không gian bao la, khoáng đạt, gợi cuộc sống tự do.
=> Tâm hồn nhạy cảm, tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống tự do.
Nhiệm vụ 2: Đọc – hiểu văn bản( tiếp)
a)Mục tiêu: 
– Học sinh nắm được những kiến thức cơ bản của văn bản nắm được bức tranh tâm trạng người tù.
b) Nội dung:Giáo viên hướng dẫn học sinh xác định vấn đề cần giải quyết qua thực hiện nhiệm vụ khai thác văn bản.
c)  Sản phẩm: Phần làm việc  và câu trả lời của HS 
d) Tổ chức thực hiện:
Hoạt động của GV và HS Nội dung cần đạt
Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ học tập:
Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ học tập
–  Học sinh: quan sát thơ, lắng nghe câu hỏi-> suy nghĩ, trả lời-> khái quát kiến thức. 
Bước 3: báo cáo kết quả và thảo luận
– Giáo viên đọc 4 câu thơ cuối
? Qua phần theo dõi đọc, em thấy nếu 6 câu thơ đầu nhịp thơ đều, nhịp nhàng, thiết tha thì đến 4 câu thơ cuối  nhịp thơ có gì đặc biệt?
? Nhịp thơ biến đổi như vậy đã tạo cho khổ thơ cuối giọng điệu như thế nào ?
? Để diễn tả tâm tư người tù tác giả sử dụng hệ thống từ ngữ ntn?
? Qua đó, giúp em hình dung ra tâm trạng của người tù như thế nào?
? Em có nhận xét gì về cách bộc lộ cảm xúc của nhà thơ?
? Em còn cảm nhận được điều mãnh liệt nào đang diễn ra trong tâm hồn nhà thơ
– Gv bình: Nếu 6 câu thơ đầu gợi ra một không gian mùa hè khoáng đạt, tự do thì 4 câu thơ cuối là một không gian tù túng, chật hẹp. Vì vậy, càng say mê tưởng tượng cuộc sống bên ngoài, càng khao khát cuộc sống tự do, người chiến sĩ càng căm uất khi cứ bị giam hãm trong tù. Niềm khao khát cùng với sự phẫn uất ấy đã trở thành nội lực ở bên trong khiến anh chỉ muốn đạp tung cánh cửa nhà tù, đập tan cả chế độ Thực dân áp bức, bất công. Các em ạ, cách mạng Việt Nam lúc này đang cần kíp lắm, đang chuẩn bị rất tích cực cho cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Là người chiến sĩ, Tố Hữu càng khao khát tự do, để được cống hiến cho cách mạng.  Đã vậy, tiếng chim tu hú cứ kêu, cứ dội mãi vào lòng như thôi thúc, giục giã, cảnh mùa hè cứ mời gọi da diết thì càng nhói sâu vào cảnh ngộ người tù, càng khiến người chiến sĩ thêm ngột ngạt, uất ức trong chốn tù đầy.
? Mở đầu và kết thúc bài thơ đều có âm thanh tiếng chim tu hú nhưng ý nghĩa có giống nhau không?
– Gv nhấn mạnh: Khác nhau nó gợi ra 2 thế giới đối lập.
– Hình ảnh tiếng chim tu hú ở đầu bài thơ là tín hiệu của mùa hè, gợi cuộc sống tự do, gợi tâm trạng náo nức.
-> bộc lộ niềm khát khao cuộc sống tự do.
– Hình ảnh tiếng chim tu hú kết thúc bài thơ gợi ra không gian tù ngục, lời thúc giục mạnh mẽ khát vọng tự do.
->bộc lộ trực tiếp niềm khát khao tự do
? Hình ảnh tiếng chim tu hú mở đầu và kết thúc bài thơ đã mang đến một kết cấu đặc biệt cho bài thơ, đó là kết cấu gì?
? Nếu ở 6 câu thơ đầu các em cảm nhận được ở người tù cách mạng là một tâm hồn yêu đời tha thiết thì ở 4 câu thơ cuối, giúp em hiểu thêm nét đẹp nào trong tâm hồn người chiến sĩ?
? Sau khi tìm hiểu hình ảnh chim tu hú đầu và cuối bài thơ và tâm trạng của người tù CM, em hãy cho biết ý nghĩa nhan đề Khi con tu hú ?
? Hãy viết một câu văn có 4 chữ đầu là “ Khi con tu hú” để tóm tắt nội dung bài thơ?
? Khái quát những nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ?
? Những đặc sắc về nội dung của tác phẩm?
 
Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ
– Học sinh nhận xét, đánh giá, bổ sung.
 – GV nhận xét, đánh giá
 – GV  nhận xét, chốt kiến thức
II. Đọc – hiểu văn bản( tiếp)
b. Tâm trạng của người tù cách mạng
Ta nghe hè dậy bên lòng                                             
 Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi !
Ngột làm sao, chết uất thôi                 
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu !
– Nhịp thơ biến đổi : Có sự thay đổi về nhịp thơ: 2/ 4 và 6/ 2; 3/3 và 6/2
– Giọng điệu mạnh mẽ, uất ức.
– Từ ngữ cảm thán: ôi, làm sao, thôi
– Sử dụng liên tiếp các tính từ, động từ mạnh: dậy, đạp tan, ngột, chết uất
-> Tâm trạng bực bội, ngột ngạt, muốn phá tan xiềng xích
-> Khao khát tự do mãnh liệt, hướng tới cuộc đời tự do.
– Hình ảnh tiếng chim tu hú:
Mở đầu bài thơ – tín hiệu của mùa hè.
– gợi cuộc sống tự do.
– gợi tâm trạng náo nức
Kết thúc bài thơ – gợi không gian tù ngục
– lời thúc giục mạnh mẽ khát vọng tự do
-> kết cấu đầu – cuối tương ứng.
=> Lòng yêu đời, yêu lí tưởng của người chiến sĩ cộng sản trong cảnh tù ngục.
 
c. Ý nghĩa nhan đề bài thơ
– Nhan đề độc đáo, giàu chất trữ tình, gợi liên tưởng và tạo mạch cảm xúc xuyên suốt cho bài thơ: tín hiệu của mùa hè, cuộc sống tự do; gợi ra không gian tù ngục và là lời thúc giục mạnh mẽ khát vọng tự do.
->HS: Khi con tu hú gọi bầy người tù cách mạng thấy được một bức tranh thiên nhiên mùa hè tưng bừng, rộn rã, người chiến sĩ ấy chỉ muốn đạp tung cánh cửa nhà tù ra với thế giới bên ngoài.
4. Tổng kết.
a.Nghệ thuật
– Thể thơ lục bát, giàu nhạc điệu, mượt mà, uyển chuyển.
– Lời thơ đầy ấn tượng bộc lộ cảm xúc thiết tha, sôi nổi, mạnh mẽ
b. Nội dung
– Lòng yêu cuộc sống, niềm khát khao tự do cháy bỏng của người chiến sĩ trong hoàn cảnh tù đày.
*Ghi nhớ (Sách giáo khoa/ T20)
Hoạt động 3: Luyện tập
a) Mục tiêu: 
– Học sinh biết vận dụng kiến thức vừa học giải quyết bài tập cụ thể
– Rèn kỹ năng vận dụng kiến thức đã học vào viết bài.
b) Nội dung: Thực hiện các yêu cầu GV giao
c) Sản phẩm: Phần làm bài tập của HS
d) Tổ chức thực hiện
Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ học tập:
Giáo viên chuyển giao nhiệm vụ:
Bài tập 1:  Đọc diễn cảm bài thơ Khi con tu hú?
– Giáo viên hướng dẫn học sinh học thuộc bài thơ.
– Giáo viên đọc một câu thơ, học sinh đọc nối câu đến hết bài.
– Giáo viên chú ý sửa lỗi cho học sinh.
Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ học tập
– Học sinh: thực hiện theo yêu cầu và hướng dẫn của GV
Bước 3: báo cáo kết quả và thảo luận
– Phần trình bày của HS
  Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ
GV nhận xét phần trình bày  của HS đánh giá và bổ sung, rút kinh nghiệm cho HS.
Hoạt động 4: Vận dụng
a) Mục tiêu: tạo cơ hội cho HS vận dụng những kiến thức, kĩ năng, thể nghiệm giá trị đã được học vào trong cuộc sống thực tiễn ở gia đình, nhà trường và cộng đồng.
b) Nội dung: Thực hiện  yêu cầu GV giao
c) Sản phẩm: Phần trình bày miệng của HS
d) Tổ chức thực hiện
Hoạt động của GV và HS Nội dung cần đạt
Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ học tập:
? Sau khi học xong bài thơ, em đã rút ra những bài học gì cho bản thân?
? Em sẽ phải làm gì để xứng đáng với sự cống hiến của các thế hệ đi trước vì một Việt Nam độc lập như ngày nay?
– Giáo viên quan sát, động viên, hỗ trợ khi học sinh cần.
Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ học tập
   Học sinh: làm việc cá nhân -> trao đổi với bạn cặp đôi-> trình bày miệng
Bước 3: báo cáo kết quả và thảo luận
HS trình bày 
– bài học về tình yêu cuộc sống, tình yêu lí tưởng, cách mạng.
Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ
– Học sinh nhận xét, đánh giá, bổ sung.
 – GV nhận xét, đánh giá-> chốt kiến thức
 Chuyển giao nhiệm vụ học tập về nhà
– Học thuộc lòng bài thơ
– Nắm chắc nghệ thuật, nội dung và ý nghĩa bài học.
– Viết một đoạn văn cảm nhận về bức tranh mùa hè trong bài thơ.
– Chuẩn bị bài: Tức cảnh Pác Bó.

Leave a Comment