Lập dàn ý tả cây tre lớp 6

Dàn ý 1 I. Mở bài     Giới thiệu về đối tượng được miêu tả Người ta yêu hoa hồng bởi vẻ lộng lẫy kiêu sa, yêu phượng vĩ vì sắc hoa rực rỡ. Nhưng …

Dàn ý 1

I. Mở bài

    Giới thiệu về đối tượng được miêu tả

Người ta yêu hoa hồng bởi vẻ lộng lẫy kiêu sa, yêu phượng vĩ vì sắc hoa rực rỡ. Nhưng em vẫn giữ trong trái tim mình hình ảnh về cây tre đầu làng, mộc mạc, giản dị mà anh dũng kiên cường.

II. Thân bài

a. Miêu tả về hình dáng cây tre

    Thật khó để miêu tả riêng một cây, bởi tre luôn mọc thành một khóm, vững chắc như một bức tường thành ôm lấy ngôi làng.

    Ở bất cứ nơi nào, tre cũng có thể sinh sống và phát triển, dù là đất sỏi hay đá vôi bạc màu.

    Mỗi cây cao đến tầm 4-5 mét, có cây lại nhỏ xíu như những đứa trẻ con. Đó là tre già và búp măng.

    Thân tre gầy guộc nhưng thẳng đứng. Suốt một đời, tre tự hào vì không bao giờ mọc nghiêng.

    Thân tre được chia thành các đốt nhỏ, mỗi đốt khoảng hai gang tay người lớn. Từ thân tre đâm ra những cành nhỏ như cánh tay đưa ra hứng lấy ánh nắng mặt trời.

    Tre đứng vững trước bao phong ba bão táp, phần vì nó đứng thành luỹ, phần vì rễ tre cắm sâu xuống mặt đất để hút lấy chất nhựa dồi dào.

    Lá tre màu xanh thẫm, thuôn dài, nhỏ nhẹ trông thanh tao biết nhường nào.

    Bên dưới những cây trưởng thành là những búp non cũng đã mọc thẳng, còn bé nhưng đã ý thức được phẩm chất của mình.

    Mỗi buổi chiều lộng gió, tre đồng thanh hát lên khúc ca rì rào rì rào đầy sức sống mãnh liệt.

b. Công dụng, ý nghĩa của cây tre

    Nói cây tre gắn liền với người nông dân, không chỉ vì tre xuất hiện nhiều, mà còn bởi trong đời sống thường nhật, tre trở thành những vật dụng quen thuộc.

    Chiếc nón lá của các bà các mẹ, bộ bàn ghế mây của bố, hay chiếc gối của ông, đều là những sản phẩm từ tre.

    Càng ngày, người ta càng chuộng những vật dụng từ tre, bởi nó vừa tinh tế lại vừa bền đẹp.

    Tre gắn liền với tuổi thơ của những đứa trẻ chúng tôi. Dưới tán tre, chúng tôi tụ tập, hát hò, những bà những mẹ nghỉ chân sau những lúc cày đồng mệt mỏi.

    Tre chính là biểu tượng cho con người Việt Nam. Đoàn kết, bền bỉ, dẻo dai, tre cứ thế ở bên cạnh dân tộc Việt Nam như vậy.

    Những búp măng còn đang lớn, chính là thế hệ thiếu nhi măng non phát triển từng ngày.

III. Kết bài

    Suy nghĩ của em về cây tre Việt Nam

Dù vạn vật có thay đổi ra sao, cuộc sống có hiện đại hoá thế nào, cây tre vẫn giữ cho mình một vị trí nhất định. Tre vẫn thế, giản dị và bình tâm, ở bên cạnh con người Việt Nam để tiếp thêm sức mạnh cho họ, để dân tộc Việt Nam giữ được truyền thống cho riêng mình.

Dàn ý 2

1. Mở bài

     Dẫn dắt giới thiệu vấn đề

     "Tre xanh

      Xanh tự bao giờ?

      Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh "

Những câu thơ nhẹ nhàng gợi nhắc cho em nhớ đến hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam, hình ảnh gần gũi ấy chính là cây tre

2. Thân bài

a. Tả bao quát về cây tre

    Cây tre cao khoảng 5-8m.Tre mọc theo từng khóm, từng chùm.Những cây tre có nhiều cành và gai nhọn.

b. Tả chi tiết về cây tre

    Cây tre dáng thẳng, thân tròn và nhẵn nhụi một màu xanh . Tre không chịu mọc riêng lẻ, mà mọc từng bụi, giăng thành hàng, thành lũy ngay cạnh cổng làng.

    Lá tre xanh non, nhỏ, thuôn dài mảnh khảnh nhưng trong nó chứa một sự dẻo dai tràn sức sống. Khi tre chưa lớn , chúng là những mầm non măng mọc thẳng giống hình như cái búp. Những búp măng ấy trở thành biểu tượng cho các cháu nhi đồng chăm ngoan.

    Dáng tre vươn cao, hơi cong cong ở ngọn, sắc tre tươi, cứng cáp, dẻo dai như người dân Việt Nam xưa vậy. Khi chiều về, những cây tre xanh thân gầy guộc rì rào trong gió như một bản tình ca hoàng hôn thanh bình.

    Rễ tre thuộc họ rễ chùm giúp cây bám chắc vào đất hút chất dinh dưỡng cần thiết và chống trọ với những tác động xấu bên ngoài của thời tiết.

    Chúng ta ai có thể nhìn thấy hoa tre bởi mỗi cây chỉ ra hoa một lần và sau lần ra hoa ấy cây sẽ trở nên già nua và yếu sức sống rồi lụi tàn dần để nhường chỗ cho những cây tre mới mọc ra.

c. Vai trò của cây tre

    Những cây tre đứng đầu làng, hài hòa với sắc màu cổ kính của mái đình cây đa.

    Tre như người lính dũng cảm, ngày đêm bảo vệ bình yên cho nhân dân xóm làng.

    Còn gì đẹp hơn khi màn đêm buông rèm đen huyền ảo, ánh trăng vàng lơ lửng giữa trời đầy sao, thả bóng như tiên nữ giáng trần lả lướt trên từng ngọn tre xanh rì.

    Tre sống cùng với với nhân dân, cùng nhân dân lao động, tre cùng những anh dân quân xông vào trận chiến, tre xẻ lối đánh tan quân thù.

    Và khi đất nước bình yên, nhân dân ta bắt tay vào công cuộc đổi mới, tre vẫn thế xanh , xanh mãi một màu tươi mới, phơi phới trong không khí dựng xây của muôn dân. Tre cùng người dân dựng nên những cột nhà vững chắc, thân tre gầy mà dẻo dai, chịu bao mưa nắng vẫn như thường. Tre nứa đan thành rổ, thành rá,… phục vụ cuộc sống sinh hoạt của biết bao người dân Việt.Tre là nhân chứng lịch sử, chứng kiến bao hy sinh của người lính, tre chứng kiến các anh hết mình hy sinh chiến đấu vì tổ quốc, tre nhìn các anh ngã xuống nơi vùng biên ải xa xôi, tre gầm lên từng khúc độc hành thương nhớ người lính trẻ. Màu tre xanh hòa cùng màu máu đỏ lấp lánh ngôi sao vàng, tre đi cùng năm tháng,khắp mọi miền tổ quốc, nuôi dưỡng biết bao khát vọng bảo vệ tổ quốc.

    Tre mãi vững bền, tre dù già rồi măng sẽ mọc, những búp măng non mang dáng hình mọc thẳng của cây tre xanh như chông trọc thẳng lên trời, ngay thẳng và kiêu hùng.

3. Kết bài

    Nêu cảm xúc về cây tre

Hình ảnh cây tre đi vào đời sống người dân Việt cả về vật chất lẫn tinh thần. Tre luôn là biểu tượng đáng tự hào của dân tộc Việt. Cho dù có đi xa, đi đến những vùng đất mới thì em mãi vẫn không quên được loài cây giản dị nhưng thiêng liêng đến lạ thường như cây tre.

Dàn ý 3

1. Mở bài

– Tuy không sinh ra và lớn lên ở làng quê, nhưng em cũng có những ấn tượng sâu sắc về lũy tre làng, bởi mỗi dịp về thăm quê, bước tới đầu làng, thứ đầu tiên em thấy vẫn là lũy tre xanh tốt đang đung đưa trước gió như chào mời, vẫy gọi.

2. Thân bài

* Giới thiệu bao quát về lũy tre làng:

– Tre là loài vốn sống đoàn kết, tựa như cái tinh thần của người dân Việt Nam, tre chẳng thích mọc riêng rẽ trơ trọi một thân một mình bao giờ, mà lúc nào cũng ưa mọc thành hàng, thành lũy, ôm ấp, vun vén cho nhau, tránh khỏi giông bão.

– Tre mọc thẳng, bao đời nay vẫn thế, thẳng từ lúc tre mới chỉ là cái búp măng bé xíu vừa trồi lên khỏi mặt đất.

– Đi khắp làng khắp xóm, người ta thấy tre xanh mướt mọc thành lũy kiên cố ở đầu làng như bức tường thành bảo vệ, còn trong giữa xóm làng, cứ thỉnh thoảng lại có một bụi tre mọc.

* Tả chi tiết về cây tre:

– Tre là loài cây thuộc họ lúa, nhìn bề ngoài trông giống những cây mía xanh ngắt.

– Một thân tre như vậy mọc cao hết cỡ cũng tầm vài chục mét, mà chẳng ai đi đo đếm được, thân cây gồm nhiều gióng, nhiều ống rỗng ghép lại với nhau bằng các mấu đặc ruột.

– Cả thân cây mang một màu xanh thẫm, vỏ ngoài sờ vào thấy khá nhẵn nhụi, thân rất cứng và chắc. Trên thân tre còn có cả gai, nhưng ít chủ yếu mọc ra từ chỗ mấu nối.

– Lá tre nhiều và tập trung hết ở phần ngọn, lá mỏng nhỏ, thuôn dài và hơi nhọn, màu xanh lục, sờ thấy nhám, cạnh sắc nếu không cẩn thận có thể làm đứt tay.

– Hoa tre thì hiếm ai gặp được, nhưng nghe nói rất đẹp, cả một đời, một thân tre chỉ có một lần ra bông.

* Giá trị của cây tre

– Tre dựng nhà, làm đồ gia dụng, tre cũng tham gia vào lao động sản xuất, thời kỳ chinh chiến tre lại cũng tham gia chiến đấu.

– Tre chính là người bạn thân thiết của con người, là biểu tượng của làng quê Việt Nam.

3. Kết bài

– Em không có nhiều kỷ niệm với lũy tre làng, nhưng trong tâm trí em tre xanh vẫn luôn mang một ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tinh thần đoàn kết, bền bỉ của con người Việt Nam ta.

– Tre cũng lưu giữ những vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc; thiếu lũy tre làng, quê hương Việt Nam bỗng trở nên thiếu vắng hẳn đi một nét đặc trưng, chân chất.

Leave a Comment