Cảm nhận về bài thơ Sang Thu của Hữu Thỉnh

Bài văn số 1 Không biết tự bao giờ thu đã thành bến đợi của nhiều thi sĩ. Người ta yêu thu bởi cái dịu dàng, nhẹ nhàng mà thanh thoát. Thu đã gieo tình …

Bài văn số 1

Không biết tự bao giờ thu đã thành bến đợi của nhiều thi sĩ. Người ta yêu thu bởi cái dịu dàng, nhẹ nhàng mà thanh thoát. Thu đã gieo tình cho mỗi tâm hồn thi sĩ và dệt vần nên những bài thơ. Cái duyên tình thu ấy đã dệt nên vẻ đẹp tinh xảo trong Nguyễn Khuyến với chùm thơ thu nổi tiếng ; lắng sâu trong thơ Tản Đà với Cảm thu và Tiễn thu ; lại còn nồng nàn trong Đây mùa thu tới của Xuân Diệu,… Nhưng thu trong Sang thu của Hữu Thỉnh thật đặc biệt. Nó không hẳn là một bài thơ về mùa thu, mà là tiếng thầm thì của khoảnh khắc giữa hạ chuyển sang thu, cái khoảnh khắc sầu lắng một cách thật đáng yêu và cũng đáng nhớ.

Ngay từ khổ đầu, bốn câu thơ như gợi dậy ở ta một tình cảm sâu thẳm như rất thân quèn, hay như đã lâu mới gặp lại :

Bỗng nhận ra hương ổi Phả vào trong gió se Sương chùng chình qua ngõ Hình như thu đã về.

Từ “bỗng” mở đầu bài thơ đã thông báo về sự xuất hiện đột ngột của sự vật trong không gian. Nhân vật trữ tình bỗng cảm nhận thấy nhiều điều ở trong ấy. Đó là cảm nhận bằng khứu giác hương thơm của ổi. Hương vị ấy không thoang thoảng, không bay bổng nữa mà nó đậm đặc, ngào ngạt thành từng luồng “phả vào trong gió se”, nó hoà quyện vào vởi tiết thu, với gió thu nhẹ nhàng, phảng phất đâu đây ! Đó là cảm nhận bằng xúc giác qua cơn gió thu – thứ gió khô, lạnh và lại dịu dàng mà không mùa nào có được. Hương ổi gắn liền với bao kỉ niệm củà thời thơ ấu, là mùi vị quê hương đã thấm đẫm vào tâm tưởng nhà thơ và cứ mỗi độ thu về là nó lại trở thành tác nhân gợi hứng để gợi nhớ thương.

Sự cảm nhận bằng thị giác của nhà thơ cũng được thể hiện rất rõ. Đó là hình ảnh màn sương giăng trước ngõ vào lúc lập thu với tiết trời mát mẻ. Sáng sớm và chiều tối thường có sương. Vì vậy, sương cũng là một trong những dấu hiệu để nhận biết mùa thu. Hình ảnh “sương chùng chình qua ngõ“ như để nhắc nhở lòng người đang mong đợi rằng mùa thu đã tới. Từ láy gợi hình “chùng chình” là một sáng tạo của riêng Hữu Thỉnh, nó gợi cảm giác sương như đang ngưng lại mịt mù hơi nước mà chưa kịp lan toả vào không gian. Hình như sương còn đang lưu luyến chưa muốn rời xa cảnh vật, còn đang say suầ ngắm nhìn hai mùa đằm thắm, giao hoà với nhau.

Như vậy, qua tất cả các giác quan, dấu hiệu mùa thu đã rất rõ. Nó không nhất thiết cứ phải như thơ cổ xưa đã tả :

Ngô đồng nhất diệp lạc Thiên hạ cộng tri thu.

(Một lá ngô đồng rụng Thiên hạ biết thu sang.)

Hay phảng phất nỗi sầu vương vấn như Xuân Diệu :

Đây mùa thu tới, mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng.

mà là một sự tinh tế, cụ thể ; nó hiện hữu trong không gian ngõ hẹp, đang xích lại gần, đang cố đánh thức hồn người. Vậy tại sao nhân vật trữ tình ở đây lại đầy lưỡng lự, chưa đủ “tự tin” để tiếp nhận mùa thu qua cách nói lấp lửng “Hình như thu đã về ?”. “Hình như” sao mà lại vô tình, dửng dưng quá vậy ! Một sự mâu thuẫn đầy dụng ý. Nó đã làm tăng thêm cảm giác bâng khuâng, xao xuyến, rất đúng với tâm trạng nhân vật trữ tình trước khung cảnh mùa thu đã hiện hữu trước mắt. “Bỗng nhận ra… ”, đó đã là một sự khẳng định, thừa nhận một cách khách quan, vậy mà ở cuối khổ thơ thi nhân lại nói “hình như” – tạo ra một sự hẫng hụt vô cùng. Một tâm trạng xao xuyến, bâng khuâng mà cũng phong phú đến lạ kì. Đó là đang muốn “cố tình” lảng tránh khi chẳng dám đối diện với mùa thu – với chính mình, lại vừa sung sướng khi cảm nhận thấy thu càng ngày càng hiện hữu trước mắt. Phải chăng một không gian hạ nắng vẫn đang tràn ngập cả tâm tư nhân vật, hay là chính nhân vật đã biết rõ rằng mùa thu đã đến gần và cả một sự sung sướng, hạnh phúc đang trào dâng trong lòng nhưng vẫn còn dè dặt, e ngại, chưa dám tiếp nhận ? Rồi không gian mùa thu không chỉ là “ngõ” nữa mà là cả một trời thu :

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu.

Không gian mùa thu mở rộng dần, ngày càng đậm nét hơn qua hình ảnh “sông… dềnh dàng”, “chim… vội vã” – những hình ảnh rất chân thật về thiên nhiên mùa thu. Nhân vật trữ tình đã cảm nhận mùa thu bằng tất cả tâm hồn và con người của mình. Từ làn sương vấn vít trong những rặng cây, luỹ tre dọc theo lối ngõ cho đến dòng sông đã qua mùa lũ, giờ đây đều nhẹ nhàng, thanh thản trôi xuôi. Trên nền trời mùa thu trong xanh, những cánh chim dường như cũng vội vã hơn.

Cả một trời thu mênh mang hiện ra trước mắt, vậy mà “đám mây mùa hạ” mới chỉ “vắt nửa mình” sang thôi. Chưa bước hẳn sang thu nhưng cũng đã là một cách thừa nhận, dù không dứt khoát. Đây là hình ảnh thật độc đáo miêu tả cảnh mùa hạ chưa qua hẳn nhưng mùa thu đã tới. Âm điệu câu thơ như bị bỏ dở, lỡ làng chứ không hoàn chỉnh như những lời thơ trên. Rõ ràng chỗ đứng của thiên nhiên vẫn đang là ở mùa hạ. Động từ “vắt” tạo ra một thế di chuyển vô cùng mềm mại, nhẹ nhàng của thời gian. Ấn tượng về mùa hạ vẫn còn đọng lại nhưng nỗi bâng khuâng trước vẻ dịu dàng, êm mát của mùa thu đã lan nhẹ vào hương hoa trái, sông nước, mây trời từ lúc nào chẳng rõ. Cái thời khắc giao mùa từ hạ sang thu sao mà vẫn còn dùng dằng, khiên cưỡng quá ! Hình như vẫn không bước nổi “sang thu”.

Nắng cuối hạ vẫn còn nhưng đã bớt nồng nàn, rực rỡ và những cơn mưa ào ạt cũng thưa dần:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa.

Nếu như ở hai khổ thơ đầu, dấu hiệu mùa thu đã quá rõ ràng qua không gian, thời gian thì ở khổ thơ cuối dấu hiệu mùa hạ vẫn còn vì những “nắng”, “mưa” vẫn tồn tại đấy. Chỉ khác là chúng dịu bớt đi mà thôi. Cảm xúc của nhân vật trữ tình đã được khắc hoạ rất thành công bằng những từ ngữ diễn tả cảm giác, trạng thái : chợt, phả vào, chùng chình, hình như, dềnh dàng, vắt nửa mình,…

Cả bài thơ là bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ của trời đất lúc vào thu được tác giả vẽ nên bằng sự rung động tinh vi của trái tim nghệ sĩ. Chính điều đó khiến cho mỗi từ ngữ, hình ảnh đều phập phồng sự sống. Ba khổ thơ, mười hai câu thơ, câu nào cũng đẹp, cũng hay nhưng nét riêng của thời điểm giao mùa giữa hạ – thu được Hữu Thỉnh tập trung thể hiện ở hai câu cuối bài thơ :

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Hai câu này có nhiều lớp nghĩa khác nhau. Tầng nghĩa thứ nhất tả thực hiện tượng sấm chớp và hình ảnh hàng cây trong cơn mưa mùa hạ. Lúc sang thu, tiếng sấm dữ dội và bất ngờ của những cơn muồ dông mùa hạ đã bớt đi, hàng cây không còn bị giật mình và run rẩy vì tiếng sấm. Tầng nghĩa thứ hai hàm ngôn thông qua hình ảnh có tính chất ẩn dụ nghệ thuật. “Sấm” là những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời ; “hàng cây đứng tuổi” ngụ ý chỉ con người đã trưởng thành về mặt tuổi tác, trải nghiệm nhiều trong đường đời. Nhà thơ Hữu Thỉnh tâm sự rằng mượn hình ảnh có giá trị tả thực về hiện tượng thiên nhiên để ông gửi gắm suy nghĩ, tâm tư của mình. Khi con người đã từng trải thì bản lĩnh càng vững vàng hơn trước những thử thách của cuộc đời. Đó chính là sự khẳng định sức sống mãnh liệt của tâm hồn dù đã “sang thu” vẫn còn rạo rực và nồng nàn hạ nắng.

Câu tứ bài thơ thật tự nhiên và hợp lí. Từ chỗ dè dặt, e ngại, đôi lúc muốn lảng tránh, chưa thật dứt khoát đến chấp nhận hoàn toàn rằng mùa thu đã về, đến lúc nhà thơ giúp chúng ta như nhìn thấy mùa thu, nghe thấy mùa thu, thậm chí có cả mùi hương thơm của hoa trái mùa thu ôm ấp quanh ta. Bằng cảm nhận tinh tế và dùng từ tự nhiên, chân thật của các phép ẩn dụ, nhân hoá tài tình, Hữu Thỉnh đã vẽ nên bức tranh đặc sắc về thời điểm giao mùa hạ – thu ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Bài thơ chính là sự cưỡng lại, níu kéo thời gian, một sự dùng dằng khó tả của một tâm hồn không hề muốn già đi theo năm tháng.

Bài văn số 2

“Thơ là thu của đất trời, thu là thơ của lòng người”. Mùa thu đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của thi nhân muôn đời. Đó là một mùa thu vàng rực rỡ, tràn trề sức sống trong Mùa thu vàng của danh hoạ Lêvitan, là bức tranh thu nơi đồng bằng Bắc Bộ hiu hắt trong thơ Nguyễn Khuyến (chùm ba bài thơ thu), là những bước chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam vào những ngày thu trong Đất nước của Nguyễn Đình Thi, là cái thu lạnh lẽo, “rét mướt” trong Đây mùa thu tới của Xuân Diệu… Cũng góp một gam màu dệt nên bức tranh thu tuyệt sắc ấy, Hữu Thỉnh mang đến cho ta một Sang thu mới mẻ, nhẹ nhàng mà sâu lắng, khai thác được những cung bậc tế vi của thời khắc giao mùa sang thu :

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về.

Sông được lúc dềnh dùng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám máy mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu.

Vẫn còn bao nhêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Từ nhan đề của bài thơ, tác giả đã xác định cho người đọc một tâm thế để cảm nhận : thời điểm giao mùa “sang thu”. Đó không phải là những ngày chính thu, khi trời cao xanh ngắt những tầng mây lơ lửng, không phải là cuối thu khi chớm lạnh, “Đã nghe rét mướt luồn trong gió” (Xuân Diệu – Đây mùa thu tới). Sang thu là mới chớm thu, khi những dấu hiệu báo mùa về mới chỉ ở trạng thái “chớm”, nhẹ nhàng.

Bài thơ ngắn, thể thơ bốn chữ với nhịp thơ nhanh, ngôn ngữ thơ dung dị càng tô đậm hơn cảm xúc của nhà thơ được kí thác trong từng câu chữ. Dường như đó là những cung bậc cảm xúc tự lên tiếng, tự tìm cho nó cách thể hiện tốt nhất.

Dấu hiệu đầu tiên của mùa thu là hương ổi :

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se…

Không đi theo lối mòn của những công thức ước lệ quen thuộc trong thơ ca trung đại là mùa thu gắn với lá ngô đồng (Ngô đồng nhất diệp lạc – Thiên hạ tận tri thu); hay với rừng phong (Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san), Hữu Thỉnh nắm bắt khoảnh khắc giao mùa ở một tín hiệu mới mẻ : hương ổi. Nó gần gũi lắm với làng quê Việt Nam. Sau khi chắt nắng từ những ngày hè nóng cháy, những ngày thu sang, ổi bắt đầu chín và toả hương. Khắp đường làng, ngõ xóm tràn ngập hương ổi thom. Ở đây, Hữu Thỉnh để người đọc tự cảm nhận mà không hề đưa ra một định ngữ đi kèm để định tính cho nó. Nhưng dường như chính điều đó lại làm cho cảnh sắc có chiều sâu và bức tranh giao mùa hiện lên mênh mang hơn.

Từ “bỗng” đầu câu thơ như đặt cả một sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Có cảm tướng như thi nhân đã vô tình với thiên nhiên, để rồi hương ổi nhẹ nhàng lan toả trong gió đã lên tiếng gọi, thức động tâm hồn nghệ sĩ đón nhận và rung cảm trước bước đi của mùa. Từ “phả” được sử dụng thật đắc địa. Hương ổi được nhân hoá, biết tự mình mang hương sắc hoà nhập vào thiên nhiên, đánh dấu bản ngã của mình, “Phả vào trong gió se” hương thơm nồng nàn, để báo hiệu một mùa mới đã sang. Gió ở đây cũng thật độc đáo : gió se. Không phải là gió lạnh. “Gió se gợi một cảm giác hơn là một động thái” (Chu Văn Sơn). Nó nằm trong trường những từ ngữ chỉ cảm giác của cả bài thơ, mang đến âm hưởng sâu lắng.

Từ khứu giác, cảm giác của nhà thơ nhanh chóng chuyển sang thị giác để ngắm nhìn những làn sương mỏng manh “chùng chình qua ngõ”. Chỉ một từ “chùng chình” đủ để làm cho hình ảnh sương trở nên sinh động, có hồn. Nó cho ta cảm nhận được cả không gian tràn ngập sương mờ ẩm ướt của buổi giao mùa thu sang. Làn sương mỏng manh, như còn lưu luyến, vương vấn gì hay đang muốn nhắc nhớ mọi người thời điểm giao mùa đã tới.

Dường như những sự vật đó đã gọi mùa về, để rồi nhà thơ phải thốt lên :

Hình như thu đã về.

Một cảm giác mơ hồ trong hai chữ “hình như”, một sự gượng nhẹ, sợ điều gì đó mỏng manh sẽ vỡ oà. Lắng lại sau giây phút ngỡ ngàng, nhà thơ tiếp tục khám phá những biểu hiện của mùa thu :

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu.

Từ những đặc trưng riêng của mùa thu, nghiêng về cảm giác, đến đây đã chuyển sang những đổi thay của thiên nhiên dưới tác động của ngày mùa sang. Dòng sông, cánh chim hay đám mây không tô điểm cho cảnh thu bởi những gam màu đặc trưng mà đánh dấu ngày thu đang đến qua những “đặc trưng thu” của mình. Không còn những ngày hè mưa đổ, sông đục ngầu, cuộn sóng dữ dội mà đã “dềnh dàng”, bình lặng, trôi êm đềm theo làn gió mùa thu trong lành, hiu hắt, nhẹ nhàng. Trái ngược với sự bình thản của dòng sông là sự “vội vã” của bầy chim. Mùa thu sang báo hiệu những ngày đông giá sắp sửa, chúng phải nhanh chóng di trú về phương nam tránh rét. Trong cái “vội vã” của bầy chim như chứa chở cả cái nắng nóng của mùa hè phương Bắc vào miền ấm áp. “Đám mây mùa hạ” kia như cũng hoà cùng sự đổi thay của đất trời để “Vắt nửa mình sang thu”. Biện pháp nhân hoá độc đáo mang đến cho người đọc những dự cảm lí thú. Một sự liên tưởng mới mẻ của một trí tưởng tượng độc đáo : đám mây như chiếc cầu nối hai mùa, còn dang dở mùa hạ và bắt đầu chuyển mình sang thu. Hành động “Vắt nửa mình sang thu” của đám mây có giống tâm trạng “chùng chình” của làn sương, có khác hành động “vội vã” của bầy chim hay sự “dềnh dàng” của dòng sông ? Tất cả chúng dường như đều có điểm chung là trạng thái giao mùa. Thế mới biết nhà thơ phải có tài quan sát và tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước tha thiết mới có thể cảm nhận được những biến chuyển tế vi trong từng sự vật như vậy. Nhà thơ thấu cảm sự vật, miêu tả chính xác trạng thái và thổi hồn vào tạo vật, mang đến cho chúng những cảm giác rất người.

Những biểu hiện của mùa thu tiếp tục được khắc hoạ rõ ràng hơn ở khổ thơ cuối:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Thu đến, vạn vật vẫn còn những đặc trưng của mùa hạ nhưng mức độ đã giảm dần .“Vẫn còn bao nhiêu nắng” – cái nắng nhẹ nhàng, dịu dàng của mùa thu. Câu thơ giản dị như lời nói thường dung dị, tự nhiên, như bước chuyển mùa âm thầm, lặng lẽ… Những cơn mưa bất chợt đã “vơi dần” theo ngày hạ đang trôi qua. Hàng cây đã quá quen với mưa dông, bão nổi, được nhà thơ gọi một cách hình ảnh là “hàng cây đứng tuổi”. Đến đày, người đọc như có những cảm nhận mới về câu thơ. Không chỉ còn là tả thực về thiên nhiên, tạo vật mà còn bao hàm ý nghĩa nhân sinh sâu xa. Nắng, mưa, sấm, chớp… hay là những sóng gió của cuộc đời và “hàng cây đứng tuổi” hay là con người từng trải qua bao biến động, ba đào, không còn “bất ngờ” trước những vang động của đời ? Chính nguồn mạch liên tưởng ấy mang lại cho thiên nhiên vẻ đẹp sâu lắng của cõi nhân sinh.

Điểm đặc sắc của Sang thu là sự nhẹ nhàng mà sâu lắng. Những cảm nhận độc đáo của tâm hồn thi sĩ về thiên nhiên đan cài với những triết lí sâu sắc về cuộc đời đã mang đến cho bài thơ một sức lôi cuốn mạnh mẽ và sức sống bển lâu trong lòng độc giả.

Bài văn số 3

Mùa thu luôn là đề tài của các nghệ sĩ, nó gợi nhiều cảm xúc đối Với thi nhân. Theo Xuân Diệu, thu là dáng buồn liêu, là những luồng run rẩy rung rinh lá, đôi nhánh khô gầy sương mỏng manh. Tiếng thu của Lưu Trọng Lư là một hình ảnh mùa thu đầy thơ mộng: Con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô. Thu điếu của Nguyễn Khuyến là sự vắng lặng, yên ả của không gian, là cảnh đẹp nên thơ của nước hồ thu. Còn Hữu Thỉnh với bài thơ Sang thu, ông đã khắc hoạ bức tranh mùa thu tươi đẹp, bức tranh đang ở thời khắc giao mùa với một làn hương mới. Mùa thu trong bài thơ của Hữu Thỉnh không có dáng vẻ tĩnh mịch, hồn thơ không vương vấn những cảm xúc buồn như mùa thu ở trong thơ của Nguyễn Khuyến, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Du hay Xuân Diệu…

Sang thu là một bài thơ gợi tả thiên nhiên tươi đẹp. Đất trời đang chuyển mình từ cuối hạ sang thu. Mở đầu bài thự là một phát hiện bất ngờ:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về.

Mùa thu đã xuất hiện ở một làng quê Việt Nam. Mùa thu với hương thơm mộc mạc nhưng đầy hương vị ấm nồng. Hương ổi phả trong gió nhẹ đã làm cho con người nhận ra ngay mùa thu đang đến. Động từ phả thể hiện một mùi hương nồng nàn, lan toả trong không gian, hoà quyện với làn gió nhẹ để tạo nên một cảm giác thật đáng yêu. Cảm giác ấy không phải trầm buồn, ướt lệ mà là một cảm giác vui tươi đến bất ngờ, mới mẻ. Mùa thu đã mang đến hương thơm và sương mờ ướt lạnh. Sương chùng chình đã tạo nên một phong cảnh đáng yêu. Chùng chình là sự kéo dài, chậm chạp như muốn chờ muốn đợi ai đây? Cảnh vật cứ dần như thế, mềm mại như thế và thu đến tự lúc nào không hay. Nhà thơ đã ngỡ ngàng trước cái đến bất chợt của mùa thu.

Cảm giác bỡ ngỡ ban đầu đã tan biến và nhường chỗ cho sự rung cảm mãnh liệt trước mùa thu tươi sáng:

Sông bắt đầu dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Những đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu.

Ở khổ thơ thứ hai, dấu hiệu sang thu mang tính rõ nét hơn. Tác giả không cảm nhận bằng khứu giác mà cảm nhận trực tiếp bằng thị giác. Từ láy dềnh dàng diễn tả sự chậm chạp, thong thả của dòng nước sông mùa thu. Dấu hiệu mùa thu còn thể hiện ở cánh chim trời, chim vội vã bay vì trời mùa thu nhanh tối hơn mùa hạ, chim phải bay nhanh về tổ.

Mùa thu với đất trời sáng trong, sống lặng lờ, thong thả chảy cùng với đàn chim đang tung cánh bay cao. Hình ảnh đám mây mùa hạ đang vật nửa mình sang thu là sự chuyển biến của đất trời. Dù sang thu nhưng dư âm mùa hạ vẫn còn. Một bóng mây vương lại như sự quyến luyến, ngập ngừng.

Mùa thu với nắng nhẹ, dịu êm. Đất trời như thay áo mái nhưng vẫn có đâu đây làn nắng ấm mùa hè. Có lẽ đây là hình ảnh đẹp nhất thể hiện nét riêng của sự giao mùa từ hạ sang thu. Đám mây ở thời điểm này rất đẹp, nó như chiếc cầu nối giữa hai mùa. Tác giả sử dụng nghệ thuật nhân hoá để diễn tả sự chuyển giao của đất trời. Mây mùa hạ “vắt nửa mình sang thu” bởi còn chần chừ, lưu luyến. Dù sang thu nhưng vẫn còn vương vấn những hình ảnh của mây mùa hạ. Đây là sự biến chuyển nhẹ nhàng của trời đất phút giao mùa.

Kết thúc bài thơ là hình ảnh thiên nhiên của mùa thu:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Phong cảnh mùa thu hiện ra thật rõ nét. Nắng mùa thu đang nồng đượm. Mưa mùa hạ vơi dần nên âm thanh của sấm cũng không còn làm cho con người ta giật mình, hốt hoảng. Mùa thu không những làm cho hàng cây như già dặn hơn, đứng tuổi hơn mà mùa thu càng làm cho hàng cây như vững vàng hơn trước những biến cố của thiên nhiên. Cây lá mùa thu vẫn nhuốm buồn vì lá dần ngả sang màu úa theo qui luật của thiên nhiên nhưng nó vẫn mang một dòng nhựa rạo rực, tràn trề sức sống. Khi thu đến, nó đã chuẩn bị cho nhiệm vụ mới của mình. Hình ảnh hàng cây đứng tuổi và ấm đã gợi lên một ý nghĩa sâu xa hơn, đó là hình ảnh con người từng trải trước những tác động của ngoại cảnh, những biến cố bất thường của cuộc đời.

Với bút pháp tả thực về thiên nhiên, cách sử dụng nghệ thuật ẩn dụ, bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh đã mang đến cho người đọc những cảm nhận mới về mùa thu, thấy được những chuyển biến nhẹ nhàng mà rõ rệt của đất trời từ hạ sang thu. Tác giả đã vẽ nên bức tranh mùa thu quê hương nồng đượm, ấm áp tình người, nó bình dị mà tươi tắn, sống động, nó tôn thêm vẻ đẹp của đất nước Việt Nam.

Bài văn số 4

Cảm nhận của em về bài thơ sang thu được thấy bởi bước đi của mùa thu được tác giả bắt nhịp bằng những giác quan tinh nhạy của mình:

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se”.

Trong cái chớm se lạnh của cơn gió mùa thu mà nhà thơ cảm nhận bằng xúc giác, khứu giác đã giúp ông cảm nhận được mùi hương đặc trưng của ổi – một thứ quà bình dị của thôn quê. Hương vị ấy đã “phả” ra rồi cứ thế nương dựa vào gió mà lan tỏa khắp cả không gian xung quanh mà trong không gian có cả sự hiện hữu của một tâm hồn rung cảm như Hữu Thỉnh.

Hương ổi “phả” vào trong không gian bao la rộng lớn nhưng là một sự phảng phất dịu dàng, từ tốn chứ không hề vội vã, ồ ạt. Cứ như thế mà hương vị ấy lại thấm thật sâu, thật kĩ vào vạn vật và đến một thời điểm nào đó đã khiến con người rung động. Việc nhà thơ “nhận ra” hương vị diệu kì của loại trái cây đồng nội dường như không có sự chuẩn bị trước, cũng không phải là sự nỗ lực cố gắng để kiếm tìm và phát hiện ra.

“Hương ổi” trong cảm nhận của tác giả là một sự bắt gặp tình cờ không báo trước. Thể hiện điều này, nhà thơ đã khéo léo sử dụng từ “bỗng”, có lẽ trong nhà thơ trong khoảnh khắc “nhận ra” ấy là một cảm giác thân quen, gần gũi, ngửi thấy hương ổi mà cứ như là được gặp lại cố nhân.

Như đã nói ở trên, nhà thơ sáng tác bài thơ trong hoàn cảnh vừa bước ra từ chiến tranh nên với ông, việc được sống trong một ngày chớm thu hòa bình êm đềm như vậy có thể tưởng chừng chỉ diễn ra trong mơ. Nhưng đến giờ phút này, trong cảm nhận của em về bài thơ Sang thu, ta thấy nó trở thành hiện thực, cả một thời ấu thơ thân thương như được bừng sống trong khoảnh khắc có hương ổi đi qua. Cùng với “hương ổi”, “gió se”, cả sương khói mùa thu cũng hòa nhịp vào cuộc vận hành “sang thu”:

“Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về”.

Hai tiếng “chùng chình” trong câu thơ trên đã diễn tả được tư thế nấn ná, chần chừ của làn sương khi di chuyển trong không gian của xóm làng. Tất cả những hình ảnh của thiên nhiên tạo vật như bắt cầu cho sự xuất hiện của bóng dáng mùa thu.

Cảm nhận của em về bài thơ Sang thu còn thể hiện qua sự hiện diện của mùa thu tuy được xác nhận tưởng như mơ hồ với từ “hình như”. Nhưng thật ra, nó cũng đã ngầm khẳng định cho việc thu đã có những bước đi đầu tiên mà không còn nghi ngờ gì nữa. Giờ đây trong mỗi phút giây đã có sự chuyển đổi, thay cho cảm giác nóng nực của mùa hè là sự khoan khoái dễ chịu của ngày thu.

Thiên nhiên trong thời khắc giao mùa sang thu

Cảm nhận của em về bài thơ Sang thu đã trở nên rõ ràng hơn trong một loạt các hình ảnh xuất hiện ở khổ thơ thứ hai:

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

Các hình ảnh của thiên nhiên trong thời điểm này là dấu hiệu khó có thể chối bỏ nó thuộc sở hữu của mùa thu. Mùa thu đến cũng là lúc mùa lũ đã thôi làm khó làm dễ cuộc sống của muôn người, muôn vật. Vậy nên dòng sông trong ở thời điểm này cũng trở nên hiền hòa, dễ chịu mà “dềnh dàng” trong nhịp chảy của chính mình.

Hướng tầm mắt lên cao, khác hẳn với sự thong thả, chậm chạp của sông thu lại là sự vội vã của cánh chim trời. Phải chăng để chuẩn bị cho những ngày đông sắp tới mà trong mùa thu bản lề này, “chim bắt đầu vội vã” để làm tổ và dự trữ thức ăn. Tất cả những sự hiện hữu của thiên nhiên ở thời điểm này đã khẳng định cho sự xuất hiện của khung cảnh mùa thu.

Thế nhưng, khi sắc thu, hương thu và cảnh thu đang làm chủ vũ trụ thì đất trời dường như vẫn còn vấn vương mùa hạ mến thương để dành chỗ cho “đám mây mùa hạ”. Ấy thế mà, dù có vấn vương đến ra sao, tiếc nuối đến nhường nào, mây hạ vẫn không thể níu kéo mùa hạ mãi hoài nên vì vậy, nó đành “vắt nửa mình sang thu”. Trong cái “vắt mình” ấy có thoáng tiếc nuối, buồn bã nhưng cũng chứa đựng sự phấn khởi, hân hoan của một tâm thế đón chào cái mới mẻ, bình yên. Cảm nhận của em về bài thơ Sang thu trong những vần thơ trên sẽ thấy những giao mùa thật nhẹ nhàng và biết bao!

Không chỉ đến khổ thơ này, tác giả mới sử dụng những từ ngữ ẩn chứa tâm ý của con người như “dềnh dàng”, “chùng chình”, “vắt mình”. Mà ngay từ khổ thơ đầu tiên qua các từ ngữ “chùng chình”, “phả”, nhà thơ như cũng muốn thể hiện bóng dáng của con người trong hoàn cảnh tạo vật thay đổi trạng thái, bước vào thời điểm giao mùa. Có vẻ như, cùng với thiên nhiên, tâm trạng con người cũng không nằm ngoài sự vận động về trạng thái hiện hữu. Những cảm nhận của em về bài thơ Sang thu cũng như thế mà theo dòng cảm xúc hòa cùng thiên nhiên giao mùa.

Triết lý cuộc đời qua những rung động về thiên nhiên

Những cảm nhận của em về bài thơ Sang thu sẽ thấy ở trong khổ thơ thứ ba, mặc dù vẫn sử dụng các hình ảnh thiên nhiên làm trung tâm miêu tả nhưng thật ra, độc giả có thể nhận thấy một điều, tác giả đang mượn cảnh vật để hướng người đọc liên tưởng đến con người:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi”.

Khoảnh khắc giao mùa chính là sợi dây liên kết nội dung các khổ thơ lại với nhau. Trong mỗi khổ thơ, song hành với những hình ảnh “sang thu” luôn có hình bóng của sắc hạ, điều này đã được minh chứng qua những phần phân tích phía trên.

Ở khổ thơ cuối này, trong cảm nhận của em về bài thơ Sang thu sẽ thấy điều đó cũng được thể hiện. Nắng hạ vốn gay gắt, chói chang nên nó vẫn còn lưu lại ở nơi này, chốn nọ, cứ như thể nó được mùa hạ giao phó nhiệm vụ gợi nhắc tất cả những gì đang tồn tại ở thời điểm này những hình ảnh của ngày hè. Nắng còn đó, mưa không vội đi và sấm cũng chẳng muốn rời.

Nhưng tất cả đang vận động trong các trạng thái “vơi”, “bớt”. Những bất chợt của cơn mưa ngày hè, những dữ dội của sấm mùa hạ đã thưa vắng dần như thầm muốn để lại không chỉ cho “hàng cây đứng tuổi”, mà còn cả các sự vật ở lại, trong đó có cả con người, một khoảnh khắc bình yên.

Như đã giới thiệu, Hữu Thỉnh là một người lính trở về sau những khốc liệt, mất mát, tàn nhẫn mà chiến tranh gây nên. Ngần ấy đau thương chắc chắn ít nhiều đã làm cho tâm hồn con người trở nên biến động. Nếu như mùa hạ có tính cách thì những mãnh liệt, sôi nổi của nó tựa hồ giống như khoảng thời gian tuổi trẻ của con người. Còn nhà thơ, trong thời gian sáng tác tác phẩm này, đã qua rồi thời tuổi trẻ đầy sôi nổi và mãnh liệt đó và ở thời điểm “đứng tuổi”, lại trở nên điềm đạm, bình lặng hơn.

Có lẽ chính những gian khổ, đau đớn chính là thứ khiến con người ta trở nên trưởng thành hơn như vậy. Đến lúc đón nhận êm đềm của mùa thu hòa bình, không riêng gì Hữu Thỉnh mà chắc chắn những người lính ở vào hoàn cảnh của ông cũng sẽ đón nhận với sự xúc động. Sự xúc động không chỉ vì bởi nhìn lại những biến động của tất cả mọi thứ đã diễn ra ở một thời quá khứ dữ dội mà xúc động còn bởi vì những phút giây quý giá của hòa bình đã trở thành hiện thực trong khi trước đó vốn là những mong mỏi khôn nguôi.

Cũng trong thời điểm “đứng tuổi”, những bão tố, giông gió của cuộc đời mặc dù đã vơi dần đi nhưng chắc có lẽ khi đối diện với chúng, cả nhà thơ và mọi người sẽ bình tâm hơn, chín chắn hơn. Bởi vì khi trải qua rất nhiều đau thương, những kinh nghiệm, những bài học sẽ là hành trang quý giá của con người.

Thế nên, đứng trước khó khăn, thử thách, hoảng sợ không mang lại sự giải quyết hữu hiệu. Chỉ có có sự cứng rắn, điềm tĩnh mới có thể góp phần giúp con người giải quyết được chúng mà khi đã bước qua khó khăn rồi thì hãy biết trân trọng và giữ gìn những thứ đã cố gắng hết đời để có được. Trong bài thơ, trong những cảm nhận của em về bài thơ Sang thu, ta thấy đó là sự quý giá của phút giây hòa bình. Đó có lẽ là triết lý cuộc đời mà Hữu Thỉnh muốn gửi gắm trong thơ.

Bài văn số 5

Mùa thu là một trong những đề tài được nhiều thi nhân viết đến. Tuy nhiên, mỗi bài thơ thu lại có những nét độc đáo và thi vị riêng. “Sang thu” của Hữu Thỉnh cũng là một bài thơ thu như thế. Bài thơ đã phác họa thành công sự chuyển mùa tinh tế của đất trời và của lòng người lúc sang thu.

Mở đầu bài thơ, người đọc đã có thể nhận ra ngay cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh khi tiết trời sang thu:

Bỗng nhận ra hương ổi 

Phả vào trong gió se

Từ “bỗng” thể hiện sự đột ngột, bất chợt trong cảm nhận. Ở đây đó chính là bất chợt nhận ra đất trời đã chớm sang thu. Cái hay và tinh tế nữa đó là, tác giả nhận thấy mùa thu không phải vì bầu trời cao xanh hơn hay hoa cúc nở vàng như trong các bài thơ ta thường thấy mà ở đây là vì “hương ổi phả vào trong gió se”. Sự tinh tế của tác giả chính là ở việc không tả mà chỉ gợi. Hương ổi thơm lừng trong gió se gợi cho người đọc màu vàng ươm của những trái ổi nơi vườn quê trong một buổi chiều cuối hạ, đầu thu.  Và vì có gió thu “se” lạnh nên hương ổi mới thêm nồng nàn, phả vào đất trời và hồn người để cho tác giả “bỗng” phát hiện ra thu đã về.

Không chỉ có “hương ổi” trong “gió se”, nhà thơ còn nhận thấy:

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

Với cách nhân hóa, từ láy “chùng chình” gợi tả sự chậm rãi, nhẹ nhàng của màn sương giống như một nàng Thu yêu kiều đang bước tới. Sương bay qua ngõ, giăng mắc vào những giậu rào, trên những cành cây khô đầu ngõ cuối thôn. Thế nhưng, dù đã cảm nhận được mùa thu qua ba giác quan khứu giác (hương ổi – vị giác, gió se – xúc giác, sương chùng chình – thị giác) nhưng tác giả vẫn chưa hết sững sờ, vẫn chưa dám tin là thu đã về nên mới mơ hồ: “Hình như thu đã về”.  “Hình như” là chưa chắc chắn, không chắn chắn nhưng kì thực là tác giả đã tự khẳng định rằng: mùa thu về thật rồi.

Thu về, không gian bức tranh màu thu được mở rộng ở chiều cao, độ rộng của bầu trời với hình ảnh cánh chim bay và đám mây trôi, ở chiều dài con sông qua khổ thơ thứ hai:

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Dòng sông giờ đây không còn chảy cuồn cuộn, dữ dội và gấp gáp như những ngày mưa lũ mùa hạ trước kia nữa. Thay vào đó, con sông êm ả lưỡng lờ trôi như thể đang trầm tư, suy ngẫm. Trong khi đó, tương phản với sông “duềnh dàng”, tư lự là sự vội vã của chim. Khi tiết trời chuyển lạnh cũng là lúc các loài chim chuẩn bị di cư về phương Nam tránh rét khi mùa đông sắp tới. Chúng “vội vã” vì mùa thu tới báo hiệu một mùa đông lạnh giá cũng sắp đến gần. Và các loài chim mới chỉ “bắt đầu vội vã” thôi, chứ chưa phải là đang vội vã, tức là mới chỉ là “sang thu” thôi chứ chưa hẳn là đã thu. Chình vì thế mà đám mây mùa hạ hãy còn, mới “vắt nửa mình sang thu”. Hình ảnh này gợi tả đám mây như một chiếc khăn voan đang được mùa hạ trao cho mùa thu, nó vẫn là của mùa hạ đấy, nhưng đã “nửa mình” sang thu rồi. Phải rất nhạy cảm và tinh tế thì Hữu Thỉnh mới thấy được, mới sáng tạo được một hình ảnh thơ đẹp như thế!

Nếu như cái hay ở khổ đầu tiên những ẩn ý gợi thu về, cái đẹp ở khổ thơ thứ hai là những hình ảnh thơ mùa thu tinh tế thì khổ thư ba lại nổi bật lên nhờ ý nghĩa triết lí về mùa thu trong đó. Lúc này, mùa thu không còn được cảm nhận trực tiếp nữa mà qua trải nghiệm, bằng sự suy ngẫm của nhà thơ:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

“Sang thu” nhưng vẫn có “nắng”, có “mưa”, có “sấm” như mùa hạ, nhưng tất cả đều vơi bớt, lắng đọng hơn. Nắng nhạt dần, mưa bớt đi, sấm cũng không còn rền vang khiến hàng cây phải giật mình đột ngột. Đó là quy luật tự nhiên. Nhưng Hữu Thỉnh không chỉ viết một bài thơ tả cảnh “sang thu” bình thường, mà trong đó còn ẩn chưa một triệt lý sâu xa hơn thế. “Sấm” không chỉ là giông bão, mà còn là những khó khăn, trở ngại của cuộc đời. Còn “hàng cây đứng tuổi” kia cũng chính là hình ảnh của những con người đã trải qua những gian lao, giông tố ấy. Qua bão táp, nắng mưa của cuộc đời sẽ tôi rèn ý chí cho ta, ta cũng vì đó mà trưởng thành hơn, giữ được điềm tĩnh hơn trước sóng gió của cuộc đời.

Bằng cảm nhận tinh tế và nghệ thuật ẩn dụ, nhân hóa tài tình cùng với cách dùng từ hết sức tự nhiên và chân thật, Hữu Thỉnh đã khắc họa nên một bức tranh đặc sắc về thời điểm đất trời giao mùa ở một vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ.Với bài thơ “Sang thu”, Hữu Thỉnh đã góp thêm một nét thu duyên dáng mang dấu ấn riêng của mình vào những chùm thơ thu của thơ ca Việt Nam.

Leave a Comment